Công trình của bản lĩnh, trí tuệ Việt
Ngày 11/1/2021, hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng được khánh thành. Với chiều dài hầm 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn), đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt nhà đầu tư, nhà thầu Việt làm chủ từ việc đầu tư cho đến thiết kế, thi công, vận hành.
"Đây là công trình lớn, có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện, đã khẳng định sự tiến bộ vượt bậc về năng lực đầu tư, cũng như về kỹ thuật, công nghệ, về thi công hầm đường bộ của các doanh nghiệp Việt Nam", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận tại Lễ khánh thành hầm Hải Vân.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, với việc hoàn thành các công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Đèo Ngang, chúng ta đã chinh phục xong các cung đường đèo hiểm trở trên Quốc lộ 1 khu vực miền Trung; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động ngành xây dựng công trình giao thông vận tải Việt Nam. Qua đó khẳng định ngành xây dựng Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đối với lĩnh vực xây dựng nói chung và những công trình giao thông nói riêng.
Phó Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm hoàn toàn có thể đầu tư các công trình hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Về phía Nhà nước, cần có cơ chế thuận lợi hơn nữa để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước cùng tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhưng nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều nỗi lo
Việc một nhà đầu tư Việt hoàn thành Hầm Hải Vân 2 vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng là một minh chứng cho tính ưu việt của phương thức PPP.
Hầm Hải Vân 2 là một hạng mục triển khai sau cùng thuộc Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả - đầu tư theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 26 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Giao thông vận tải, các công trình hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông thuộc Dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung. Với việc hoàn thành hầm Hải Vân 2, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã được Nhà đầu tư thực hiện theo đúng cam kết tại hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tuy nhiên, thông tin tại Lễ khánh thành hầm Hải Vân 2, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hầm Hải Vân 2 sẽ chỉ được mở trong 20 ngày để phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021. Sau thời gian trên, Nhà đầu tư sẽ đóng hầm Hải Vân 2 (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường).
Sở dĩ có việc mở rồi lại đóng hầm này, theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, là vì Nhà đầu tư không thể đảm bảo được kinh phí vận hành hầm khi mà phương án tài chính của Dự án còn rất nhiều khó khăn do Nhà nước chưa thực hiện đúng các cam kết trong Hợp đồng đã ký. Trong khi Nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều lần, chịu nhiều áp lực tài chính, trả nợ ngân hàng, chi phí vận hành hầm không đảm bảo, thì việc giải quyết của cơ quan Nhà nước thường trong tình trạng “được xem xét” và “tiếp tục xem xét", kéo dài, luẩn quẩn làm mất niềm tin từ phía Nhà đầu tư.
“Trong khi các vướng mắc về tài chính của Dự án đã kéo dài và vẫn chưa được giải quyết, việc đưa Dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí nhưng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vẫn sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong thời gian cao điểm trên để phục vụ nhân dân… Việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhân dân nhưng không thể nào làm khác hơn khi gần 3 năm trôi qua, các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Điều đó dẫn tới một sự lãng phí tài sản rất lớn của doanh nghiệp và người dân chính là đối tượng chịu thiệt”, Lãnh đạo Đèo Cả chia sẻ.
Ông Hồ Minh Hoàng tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đó, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với nhà đầu tư. Trong đó, về phần vốn 1.180 tỷ đồng, sớm bổ sung Vốn NSNN hỗ trợ Dự án từ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, xác định thời gian giải ngân cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh phương tài chính. Đối với cơ chế thu phí Trạm La Sơn - Tuý Loan, thực hiện đúng cam kết đã ký với Nhà đầu tư, trong đó có việc tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận tại văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời giải quyết cho Doanh nghiệp dự án được hoàn thuế GTGT sau ngày đưa Dự án vào thu phí đối với các hóa đơn đầu vào của Dự án Đèo Cả bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân hoặc bổ sung kinh bù đắp là 200 tỷ đồng như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước nêu. Bộ Giao thông vận tải thực hiện điều chỉnh, cập nhật quy hoạch hướng tuyến đoạn cao tốc Bình Định - Phú Yên đảm bảo việc kết nối vào hầm Cù Mông tránh việc đầu tư lãng phí.
Sau khi nghe Nhà đầu tư kiến nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung, trong đó có những doanh nghiệp tham gia vào công trình hạ tầng giao thông và cụ thể là công trình hầm Đèo Cả, hầm đèo Hải Vân 2. “Chỉ có như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải”, Phó Thủ tướng nói.
Theo nhiều chuyên gia, PPP chính là phương thức ưu việt để phát huy được bản lĩnh, trí tuệ của nhà đầu tư Việt vào đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước. Tuy nhiên, dù Luật PPP đã có hiệu lực, nhưng khi cơ quan Nhà nước chưa thực hiện đúng cam kết tại các hợp đồng cũ thì “một lần bất tín vạn sự bất tin”, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, đến niềm tin và khát vọng cống hiến của nhà đầu tư.