Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 861.000 tấn gạo với 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Philippines là thị trường đứng đầu nhập khẩu gạo Việt Nam với thị phần 26,9%. Trung Quốc đứng thứ hai với 23,5% thị phần.
Đặc biệt, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường như IR 50404, nhưng nay chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, jasmine… Năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao.
“Có được kết quả này nhờ sự quyết liệt tái cơ cấu trong sản xuất mặt hàng này nhằm nâng cao chất lượng bước đầu cơ hiệu quả. Việt Nam tiếp tục duy trì đi theo con đường gạo chất lượng cao, nâng cao giá trị hạt gạo”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, gạo thường sẽ vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Mặc dù hiện giá lúa IR50404 đang tốt, nhưng không vì giá tốt trước mắt mà quay trở lại tăng sản xuất loại lúa gạo này. Với lúa IR 50404, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo không sản xuất trong vụ Mùa, chỉ sản xuất một phần trong các vụ còn lại.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, "chúng ta đang dần làm tốt khâu nâng cao chất lượng gạo, thời gian tới phải làm tốt hơn khâu xây dựng thương hiệu."
Tại miền Nam, lúa Đông Xuân gieo sạ đạt 1.953.100 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.563.900 ha và đã thu hoạch khoảng 249.200 ha.
Năng suất lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu đã giúp giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ từ 100-500 đồng/kg.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu được 5,8 triệu tấn gạo với 2,6 tỷ USD.