Ảnh: PVFCCo |
Tham dự phiên họp có các cổ đông đại diện cho 74,12% số cổ phần có quyền biểu quyết, đại diện Công ty mẹ - Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Tổng Giám đốc (BTGĐ), Ban Kiểm soát (BKS), cùng đại diện Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - đơn vị thực hiện kiểm toán BCTC thường niên của PVFCCo.
Trong phiên họp, Ban quản trị, kiểm soát và điều hành PVFCCo đã trình bày: Báo cáo về tình hình SXKD năm 2020 và kế hoạch SXKD năm 2021; Báo cáo hoạt động năm 2020 của HĐQT; Báo cáo hoạt động năm 2020 của BKS và đề xuất lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2021; Báo cáo tài chính năm 2020 và Phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021; Báo cáo thù lao, lương thưởng năm 2020 của HĐQT, BKS, BTGĐ và kế hoạch năm 2021; tờ trình miễn nhiệm và bầu cử thành viên HĐQT, BKS; Tờ trình thông qua các dự thảo văn bản: Điều lệ TCT, quy chế nội bộ về quản trị TCT, Quy chế hoạt động của HĐQT, Quy chế hoạt động của BKS.
Về kết quả SXKD năm 2020, nhìn chung 2020 là một năm đầy thách thức và bất ổn, nhưng PVFCCo đã có một năm thành công. Doanh thu đạt 8.038 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 848 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch năm 2020, tăng 82% so với năm 2019. Doanh thu tuy không đạt KH do giá phân bón thấp hơn so với dự kiến, nhưng lợi nhuận vượt xa năm 2019 và KH năm 2020 do công ty tối ưu được chi phí, tiết kiệm định mức vật tư, năng lượng, nhờ đó giá thành sản phẩm chính giảm từ 3-15%. Với kết quả tích cực này, ĐHĐCĐ đã thông qua mức chi cổ tức 14% bằng tiền mặt cho năm 2020, tương ứng 1.400 đ/cổ phiếu. Đầu năm 2021, PVFCCo đã tạm ứng cổ tức với mức 7%, như vậy sắp tới các cổ đông sẽ được nhận tiếp 7%, tức 700 đ/cổ phiếu nữa cho năm 2020.
Năm 2021 được dự kiến sẽ diễn ra trong bối cảnh các yếu tố thị trường như giá khí tiếp tục khó lường, nguồn cung khí chuyển sang thời kỳ khó khăn khi các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng. Thêm vào đó, việc nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy để bảo dưỡng tổng thể trong hơn 1 tháng làm giảm đáng kể sản lượng. Trong điều kiện đó, PVFCCo đặt kế hoạch doanh thu ở mức 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 437 tỷ đồng. Để đảm bảo mức chia cổ tức vẫn là 10%, PVFCCo đặt nhiệm vụ nâng tối đa sản lượng hai nhà máy sản xuất phân ure và NPK trong thời gian không bảo dưỡng, tiếp tục tối ưu hóa chi phí trong mọi khâu từ sản xuất, kinh doanh tới quản lý.
Trong phần thảo luận, lãnh đạo PVN, Đoàn chủ tịch phiên họp và Ban quản trị, điều hành đã trả lời các vấn đề mà cổ đông quan tâm như: bảo dưỡng tổng thể nhà máy, nguồn khí và giá khí, sản xuất và tiêu thụ NPK, lộ trình thoái vốn Nhà nước, xây dựng kế hoạch, hoạt động khoa học công nghệ phát triển sản phẩm mới, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2021, tiết giảm chi phí…
ĐHĐCĐ cũng đã xem xét, cho ý kiến, bỏ phiếu thông qua các tờ trình, báo cáo với số phiếu đồng thuận cao.
Theo kết quả bầu cử tại phiên họp ĐHĐCĐ và phiên họp của HĐQT và Ban KS sau đó, HĐQT và Ban KS của PVFCCo gồm các thành viên sau:
Hội đồng quản trị:
- Ông Hoàng Trọng Dũng– Chủ tịch HĐQT (thay ông Nguyễn Tiến Vinh).
- Ông Lê Cự Tân – Thành viên HĐQT (kiêm Tổng giám đốc).
- Ông Dương Trí Hội– Thành viên HĐQT
- Ông Trịnh Văn Khiêm– Thành viên HĐQT
- Ông Louis T Nguyen – Thành viên HĐQT (độc lập)
Ban Kiểm soát
- Ông Huỳnh Kim Nhân – Trưởng Ban Kiểm soát
- Ông Lê Vinh Văn – Thành viên Ban Kiểm soát
- Ông Lương Phương– Thành viên Ban Kiểm soát
Các thành viên HĐQT, BKS của PVFCCo đều là những người được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn và đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành dầu khí, tài chính. Đặc biệt, ông Hoàng Trọng Dũng- tân Chủ tịch HĐQT đã có tới hơn 20 năm công tác trong ngành dầu khí, phân bón, hóa chất, đảm trách các vị trí cấp cao tại: Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí; Ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ; Ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí...