“Nắn” hay “siết” dòng vốn tín dụng bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ chủ trương tiếp tục giám sát chặt chẽ tín dụng bất động sản (BĐS), đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, cần chọn lọc và phân loại thị trường BĐS theo từng phân khúc, từng nhà đầu tư để có chính sách tín dụng phù hợp, tránh tình trạng bóp nghẹt nguồn vốn ngân hàng, gây khó cho lĩnh vực này.
Việc cắt nguồn tín dụng bất động sản đồng loạt sẽ khiến thị trường gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Tiến Tân
Việc cắt nguồn tín dụng bất động sản đồng loạt sẽ khiến thị trường gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Tiến Tân

Thống đốc NHNN vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Theo đó, đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có kinh doanh BĐS, chứng khoán), NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, bảo đảm an toàn hoạt động.

Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

NHNN sẽ làm việc và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS, nâng cao chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để hạn chế TCTD phân bổ vốn vay vào các dự án BĐS dài hạn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, trong đó lưu ý đối với các TCTD, chi nhánh TCTD có dư nợ tăng nhanh tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, tăng giá BĐS trong thời gian qua.

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN bổ sung quy định “kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh BĐS; cho vay các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo xác định của TCTD”.

Liên quan tín dụng BĐS, theo số liệu mới nhất từ NHNN, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đến 31/5/2022 tăng 12,37% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20,67% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động tiêu dùng, tự sử dụng BĐS tăng 14,72%, chiếm 66,3% dư nợ tín dụng BĐS.

Theo TS. Cấn Văn Lực, dư nợ tín dụng BĐS chiếm khoảng 20,6% tổng dư nợ của nền kinh tế là con số tương đương với Philippines nhưng thấp hơn so với Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ. Ông Lực nhìn nhận, dư địa cho vay BĐS vẫn còn, đặc biệt là cho vay mua nhà ở và đây là chủ trương cần được thúc đẩy trong thời gian tới.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS nhìn chung chưa có dấu hiệu bong bóng. Nếu cắt nguồn tín dụng BĐS đồng loạt, không phân biệt dự án tốt, dự án xấu, chắc chắn sẽ khiến thị trường gặp nhiều rủi ro. Nếu thị trường BĐS gặp khó khăn, thị trường tài chính có thể khó khăn theo.

“Việc hướng tín dụng vào phân khúc, dự án lành mạnh bền vững sẽ đảm bảo chất lượng cho thị trường BĐS và chất lượng khoản tín dụng. Hay nói cách khác, có những dự án cần tiếp tục đẩy tín dụng và có dự án cần phải ngắt nguồn tín dụng. Không thể áp dụng chính sách siết tín dụng chung cho toàn thị trường, mà phải có chính sách riêng cho từng phân khúc, từng thời điểm và thậm chí là từng nhà đầu tư”, ông Ánh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, NHNN cần kiểm soát và “nắn” chứ không nên “siết” dòng vốn tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín, dự án có tính khả thi, cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, để xây dựng, sửa chữa nhà.

“NHNN không nên vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật đang chiếm đa số trong nền kinh tế”, ông Châu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục