Bị chủ đầu tư, bên mời thầu làm khó đủ đường khi mua HSMT khiến không ít nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị vượt cấp lên các cơ quan chức năng, “cầu cứu” đến cơ quan báo chí. Ảnh: Tường Lâm |
Báo Đấu thầu đã có rất nhiều bài viết phản ánh tình hình kiến nghị và xử lý kiến nghị tại nhiều gói thầu ở các địa phương, trên nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào, nội dung nào nhà thầu kiến nghị cũng đúng, nhưng nhìn chung chất lượng giải quyết kiến nghị của các CĐT/BMT không cao nên nhà thầu không “tâm phục khẩu phục”. Chính vì vậy, hành trình kiến nghị của nhà thầu thường kéo dài, nhà thầu liên tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng hoặc kiến nghị vượt cấp để bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng có những sự việc “nổi cộm” trong đấu thầu, nhà thầu kiến nghị nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng ở địa phương đã giải quyết qua loa, không đúng bản chất sự việc nên những hành vi tiêu cực trong đấu thầu không bị xử lý thích đáng, gây mất lòng tin của nhà thầu kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, theo quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu, cấp trực tiếp đầu tiên xử lý kiến nghị của nhà thầu là CĐT (đối với dự án), BMT (đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung), sau đó mới đến người có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình đeo bám vất vả để mua hồ sơ mời thầu (HSMT), nhiều trường hợp bị làm khó đủ đường khi làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu ngầm hiểu rằng CĐT/BMT không tôn trọng quyền lợi của nhà thầu được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, không ít nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị vượt cấp lên các cơ quan chức năng, “cầu cứu” đến các cơ quan báo chí, thậm chí là gửi đến lực lượng công an, các tổ chức đoàn thể liên quan để mong được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, hệ thống pháp luật đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng CĐT/BMT có hành vi vi phạm pháp luật khá phổ biến. Trong việc xử lý kiến nghị của nhà thầu còn sự né tránh, nể nang và bao che. Điều này đã gây mất niềm tin của nhà thầu vào cấp trực tiếp xử lý kiến nghị, khiến dư luận đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu.
Tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (CT03) vừa ban hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, đối với công tác giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm trong đấu thầu thì người có thẩm quyền, CĐT/BMT có trách nhiệm giải quyết kiến nghị đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian theo quy định tại Điều 91 và 92 Luật Đấu thầu. Trường hợp phát hiện các cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xử lý kiến nghị như xử lý chậm trễ hoặc xử lý không thấu đáo, không đúng quy định dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, Sở KH&ĐT, cơ quan được giao quản lý công tác về đấu thầu tại các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm, đảm bảo tính công bằng, minh bạch của cuộc thầu, lợi ích hợp pháp của nhà thầu.
CT03 cũng yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc công khai xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 4 Điều 90 Luật Đấu thầu; quyết định xử lý vi phạm phải được gửi đến Bộ KH&ĐT để theo dõi, tổng hợp và phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.
CT03 cũng nhấn mạnh, người có thẩm quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu.