Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu kịp thời khắc phục, đẩy lùi tiêu cực, tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Chỉ thị số 03, qua công tác kiểm tra và qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng như thực tế giải quyết kiến nghị cho thấy nhiều hành vi tiêu cực trong đấu thầu vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó có một số hành vi vi phạm biến tướng và diễn biến phức tạp. Chẳng hạn như tình trạng đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu; cản trở việc mua HSMT/HSYC và nộp hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu. Trong quá trình đánh giá HSDT, HSĐX còn mang tính chủ quan, không minh bạch, cố tình loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng; không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ, tạo bất lợi đối với một số nhà thầu, bỏ qua những sai sót nghiêm trọng đối với những nhà thầu có quan hệ “thân hữu, theo địa bàn, theo ngành”.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định còn hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều trường hợp báo cáo thẩm định chỉ nêu lại nội dung của tờ trình mà không đưa ra nhận xét, kiến nghị cụ thể.
Việc thực hiện đấu thầu qua mạng tại nhiều bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chậm so với lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT/BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Việc đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển không đúng quy định, sai lĩnh vực của gói thầu, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin của nhà thầu. Số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự chiếm tỷ lệ không nhỏ (36%).
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng và số lượng các cuộc kiểm tra chuyên sâu về đấu thầu còn hạn chế so với yêu cầu thực tế; công tác giải quyết kiến nghị còn chậm trễ, chưa thấu đáo, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và vượt cấp.
Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ trách nhiệm của Bộ KH&ĐT quy định tại Điều 83 Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ thị nhiều nội dung liên quan đến quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; việc thực hiện đấu thầu qua mạng; việc giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm trong đấu thầu; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi trong đấu thầu; trách nhiệm quản lý trong đấu thầu...
Đối với công tác lập HSMT/HSYC, Chỉ thị số 03 nêu rõ, tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được.
Đối với công tác phát hành HSMT/HSYC, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu tiếp cận HSMT/HSYC nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, giảm thiểu chi phí cho nhà thầu, giải quyết triệt để những tiêu cực như “quây thầu”, “vây thầu” tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu, Chỉ thị số 03 yêu cầu tăng cường đăng tải HSMT/HSYC đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu không thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Đối với việc thực hiện đấu thầu qua mạng, Chỉ thị số 03 đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng; đảm bảo tỷ lệ đấu thầu qua mạng năm 2019 theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu; đồng thời thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và xử lý nghiêm chủ đầu tư, bên mời thầu và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.