Nâng hiệu quả dự án BT: Sớm sửa đổi Luật Đất đai

(BĐT) - Để vốn hóa đất đai trong điều kiện kinh tế, ngân sách của nhiều địa phương còn hạn hẹp, việc thu hút nhà đầu tư tư nhân đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được đánh giá là vẫn cần thiết. Tuy nhiên, để hình thức đầu tư này phát huy hiệu quả, cần những quy định đầy đủ, đồng bộ.
Luật Đất đai không có quy định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Ảnh: Lê Tiên
Luật Đất đai không có quy định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Luật Đất đai quy định đấu giá quyền sử dụng đất đối với việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, không có quy định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Việc thực hiện thanh toán dự án BT thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công.

Ông Nguyễn Đình Thọ cho rằng, việc thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy công trình khi thực hiện dự án BT cũng hạn chế việc đấu giá quyền sử dụng đất, có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đầu tư BT tạo ra những khoản sinh lời lớn từ cơ hội sở hữu đất vàng, vị trí đắc địa; giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư dự án BT phần lớn do chính doanh nghiệp thực hiện dự án được hưởng lợi.

Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2019 có một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện dự án BT. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc triển khai dự án BT chỉ thực sự đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát khi thay đổi quy trình xác định giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư và sửa nhiều vấn đề tại các luật liên quan để đảm bảo đồng bộ. Ví dụ như kiến nghị vừa đấu thầu dự án BT vừa đấu giá quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Theo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành không có quy định này nên không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai hợp đồng BT với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 3 cách thức. Thứ nhất, bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Thứ hai, bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác. Thứ ba, bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công.

Cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế thanh toán dự án BT tại Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai... bảo đảm đồng bộ với Dự thảo Luật PPP về cơ chế, phương thức thanh toán dự án BT và cơ chế đấu giá, sử dụng tài sản công là đất đai để thanh toán hợp đồng BT.

Việc sửa đổi pháp luật về đất đai liên quan đến loại hợp đồng BT là cần thiết để đảm bảo các cách thức thanh toán dự án BT khả thi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Thọ kiến nghị chế định, bổ sung quy định cụ thể về việc sử dụng đất để thực hiện dự án BT vào Khoản 3 Điều 155 Luật Đất đai theo hướng: hàng năm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập và trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua danh mục các dự án cần đầu tư theo hình thức BT và quỹ đất để đấu giá tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất được nộp vào ngân sách và được xác định thành một mục trong ngân sách để thực hiện chi trả cho các công trình, dự án BT.

Đối với các dự án BT thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì hàng năm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhà nước thực hiện việc điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do kết quả đầu tư dự án BT đối với quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư tại thời điểm hoàn thành dự án BT.

Cùng quan điểm, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Luật Đất đai cần bổ sung một điều quy định riêng về phạm vi được áp dụng loại hợp đồng BT, trong đó quy định về điều kiện áp dụng; phạm vi áp dụng; nội dung hợp đồng BT; quy trình đánh giá chất lượng hạ tầng và định giá hạ tầng, yêu cầu về định giá khu vực đất và tài sản gắn liền đem đổi lấy hạ tầng (áp dụng cho trường hợp đấu thầu dự án BT không thành công). Về phạm vi áp dụng, chỉ được áp dụng đối với những công trình hạ tầng quan trọng, cần xây dựng sớm mà không thể thu xếp được nguồn vốn đầu tư công. Về điều kiện áp dụng, phải có phân tích chi phí - lợi ích của phương án BT và phương án Nhà nước đấu giá đất lấy tiền xây dựng hạ tầng, bảo đảm hiệu lợi ích trừ chi phí của phương án BT cao hơn. Đối với đấu thầu dự án BT, hồ sơ đấu thầu phải được hội đồng thẩm định giá đất cấp quốc gia (hoặc cơ quan định giá đất quốc gia) thẩm định về phần giá trị đất công đem đổi lấy hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục