Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP bổ sung một chương riêng về trình tự thực hiện dự án BT với nhiều nội dung mới. Ảnh: Hoài Tâm |
Kiểm toán Nhà nước và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) của nhiều địa phương kiến nghị nên tách riêng quy định đầu tư theo loại hợp đồng BT, không nhập chung với các loại hợp đồng khác của hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để có quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với hình thức này.
Nhiều lỗ hổng
Theo ý kiến của Sở KH&ĐT một số địa phương như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án BT còn chưa hợp lý. Các dự án nhóm C, với tổng mức đầu tư nhỏ đã thông qua HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, các dự án PPP, nhất là các dự án BT, có tổng mức đầu tư lớn, nhưng không thông qua HĐND (trừ nguồn vốn đầu tư công tham gia dự án), điều này là không hợp lý và không tương xứng.
Thực tế này cũng dẫn đến việc quyết định đầu tư dự án BT khá ồ ạt, tràn lan tại một số địa phương, dù có thể không ít dự án BT chưa thực sự cần thiết phải đầu tư. Tại một số địa phương bất động sản đang tăng trưởng nóng, UBND tỉnh phê duyệt rất nhiều dự án BT có giá trị lớn dường như được vẽ ra chỉ để nhà đầu tư “xí” đất, như dự án nhà văn hóa xã, đường liên thôn liên xã, trung tâm hội nghị, trung tâm thể thao,…
Bên cạnh đó, việc xác định tổng mức đầu tư công trình và giá trị quỹ đất chưa chính xác dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa 2 giá trị; việc lập dự án, thiết kế dự án do nhà đầu tư thực hiện thường làm tăng chi phí đầu tư gây thất thoát, lãng phí...
Sở KH&ĐT Lạng Sơn thì cho rằng, việc không quy định lập dự án khác để hoàn vốn đồng thời với dự án BT dẫn đến công tác thẩm định về hiệu quả kinh tế - xã hội, tính khả thi về mặt tài chính gặp nhiều khó khăn. Sở này đề nghị quy định khi lập dự án BT phải đồng thời lập dự án khác và quy định rõ quy trình lập, triển khai dự án.
Từ thực tế triển khai dự án BT, nhiều địa phương cũng khuyến nghị cần quy định rõ thời điểm lập hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, phải xác định giá đất của quỹ đất thực hiện dự án khác để sơ bộ xác định được giá trị quỹ đất, từ đó xác định diện tích đất tương ứng giao cho nhà đầu tư làm cơ sở thanh toán vốn đầu tư dự án BT. Đồng thời quy định nguyên tắc điều chỉnh giá đất, điều chỉnh diện tích đất khi có những biến động theo thời gian.
Sẽ không còn chuyện vung tay duyệt dự án BT
Theo Bộ KH&ĐT, nhằm quy định chặt chẽ hơn đối với loại hợp đồng BT, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP bổ sung một chương riêng về trình tự thực hiện dự án BT với nhiều nội dung mới.
Dự thảo đưa ra quy định Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án BT nhóm A; HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án BT nhóm B; UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án BT nhóm C.
Cũng như việc quy định chặt chẽ thẩm quyền và trách nhiệm trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công đã hạn chế rất nhiều tình trạng đầu tư công tràn lan, quy định này về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án BT được đánh giá cũng sẽ chặn lãng phí, thất thoát tài sản đất đai.
Dự thảo Nghị định thay thế cũng yêu cầu quy hoạch chi tiết xây dựng của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Trường hợp điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thay đổi giá trị tiền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư xác định lại giá trị tiền sử dụng đất, đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước, hài hòa lợi ích nhà đầu tư, người dân. Nội dung hợp đồng dự án BT phải thỏa thuận và quy định rõ nguyên tắc xử lý khi quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư trong dự án BT được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch dẫn đến giá trị quyền sử dụng đất thay đổi. Trong đó, nội dung nguyên tắc xử lý phải bao gồm các trường hợp được phép điều chỉnh quy hoạch; cam kết không làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của khu vực, địa phương khi điều chỉnh quy hoạch; cơ chế thương thảo, đàm phán lại trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi giá trị sử dụng đất (đặc biệt trong trường hợp làm tăng giá trị sử dụng đất, có lợi cho nhà đầu tư).
Đồng thời, Dự thảo Nghị định thay thế đưa vào yêu cầu quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định và phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án có thiết kế và dự toán xây dựng công trình. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng một số dự án BT đưa ra đấu thầu chưa rõ ràng về quỹ đất hoàn vốn, một số trường hợp khiến các nhà đầu tư e ngại khi tham gia và sân chơi chỉ còn dành cho nhà đầu tư “ruột”.