Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã có phương án tăng vốn năm 2021. Ảnh: Thành An |
Bên cạnh đó, quy định mới cho phép ngân sách nhà nước bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và triển vọng thị trường chứng khoán thuận lợi cũng là lực đẩy đáng kể của quá trình này.
Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch tăng vốn năm 2021 đã được nêu rõ tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng. Mới đây, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chính thức thông qua Nghị quyết về việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng và phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, ngay trong quý I - II/2021, NCB sẽ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản số 783/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, NHNN chấp thuận việc SCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng cường năng lực tài chính theo Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của SCB.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, bao gồm phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, kế hoạch kinh doanh năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 24/3/2021. Thông tin đáng chú ý là ngân hàng này sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phê duyệt công tác chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Tại Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Vietcombank cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2020 và phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2022.
Trong năm 2020, các ngân hàng thương mại đã tăng vốn rất thành công với 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.
Bình luận về xu hướng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, có nhiều lực đẩy đối với quá trình này. Trước hết, các ngân hàng đang chịu sức ép lớn từ việc phải cải thiện năng lực tài chính để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II, đây cũng được coi là một trong những tiêu chuẩn để NHNN cấp hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh hiện nay, các ngân hàng cần có tiềm lực tài chính đủ mạnh để tăng lợi thế về công nghệ, thị trường. Do đó, họ luôn tìm cách và tìm cơ hội để tăng vốn.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán được dự báo có triển vọng thuận lợi trong năm nay là điều cần thiết để giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Mặt khác, Nghị định 121/2020/NĐ-CP với điểm đáng chú ý nhất là cho phép dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên, được dự báo sẽ mở cánh cửa rộng cho các nhà băng này tăng vốn.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Quốc hội cho phép tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền ngân sách nhà nước, mức tăng bằng với khoản lãi sau thuế nộp vào ngân sách nhà nước trong năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng. Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Điển hình là Vietcombank đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ khoảng 6,5% vốn điều lệ trong năm nay. VietinBank cũng đã có ý kiến với cổ đông về việc tăng vốn thêm gần 29% từ lợi nhuận giữ lại, phần nào đáp ứng nhu cầu tăng vốn bức thiết hiện nay.
Từ khía cạnh khác, ông Hiếu cho rằng, rủi ro từ dịch bệnh gia tăng khiến việc tăng vốn không thể chậm trễ, bởi việc bổ sung vốn sẽ giúp các nhà băng tăng “bộ đệm” thanh khoản để ứng phó tốt hơn với rủi ro. Tuy nhiên, bài toán không dễ dàng của các ngân hàng sau khi tăng vốn là làm sao sử dụng vốn hiệu quả trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng nhanh.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn bằng nguồn ngân sách nhà nước là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần phải cho phép ngân hàng thương mại cổ phần dùng các hình thức tăng vốn điều lệ khác nhau, qua các kênh khác nhau. Chẳng hạn, có thể cân nhắc tạo điều kiện để kêu gọi thêm cổ đông chiến lược nước ngoài.