Ngân hàng rao bán loạt ô tô siết nợ, dân mua lo sợ khi xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
Gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt rao bán tài sản thế chấp là ô tô các loại. Từ xe tải, xe khách đến xe con, hàng trăm chiếc muốn bán nhanh để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, rao bán nhiều nhưng ít người muốn mua.

Gánh nặng thu hồi nợ

Nhân viên quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, có đến hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.

Mấy năm trước, kinh tế tăng trưởng, nhiều người vay tiền ngân hàng để mua ô tô, thế chấp bằng chính chiếc xe đó để phục vụ kinh doanh dịch vụ và đi lại,... Giai đoạn 2016-2019, cho vay mua ô tô tăng trưởng gần 40%/năm. Các ngân hàng cạnh tranh cho vay lên tới 80-90% giá trị xe. Cho vay mua ô tô góp phần giúp cho tín dụng nhiều ngân hàng tăng cao.

Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều người gặp khó khăn, không trả nổi nợ, bị ngân hàng thu hồi xe. Những ngân hàng trước đây đẩy mạnh cho vay mua ô tô giờ đang có số lượng xe rao bán nhiều nhất. Nhưng theo các nhân viên ngân hàng, việc bán tài sản thế chấp là ô tô hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Cho vay mua ô tô giai đoạn 2016-2019 tăng 40%

Cho vay mua ô tô giai đoạn 2016-2019 tăng 40%

Hiện tại, khó bán nhất là xe chở khách từ 16-45 chỗ. Do nhu cầu đi lại, nhất là du lịch, lễ hội đang bị tê liệt bởi Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, không có tiền trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, cũng do nhu cầu đi lại giảm mạnh nên không ai có ý định mua những chiếc xe này. Vì vậy, ngân hàng rao bán nhiều nhưng không có khách mua.

Tương tự là xe tải, cũng do nhu cầu về vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu giảm nên ít người muốn mua. Còn với xe con, thì thị trường cả xe mới lẫn xe cũ đều giảm giá mạnh, nguồn cung dồi dào, khiến cho xe ngân hàng rao bán không được quan tâm.

Sợ xe ngân hàng

Trong khi đó, xe ô tô các ngân hàng thanh lý thường là xe do khách hàng tự nguyện bàn giao (vì mang bán tính ra không được giá), hoặc xe nhân viên ngân hàng đi cưỡng chế thu về, trong đó có nhiều xe chẳng còn hoạt động được, nên lại càng khó bán.

Nhiều chiếc xe trước khi giao nộp cho ngân hàng, hay bị ngân hàng xiết nợ thu hồi, đã bị thay thế trang thiết bị, thậm chí tháo một số linh kiện đem bán nên không hoạt động được. Ngân hàng không phải là đơn vị chuyên về xe, cũng không sửa chữa bảo hành gì, cứ vậy rao bán nên rất nhiều khách hàng e ngại.

Hơn nữa, một số ngân hàng lại bán xe theo hình thức chào giá kín, khách ghi giá mua rồi bỏ vào phong bì, dán kín niêm phong, để Hội đồng thanh lý họp mở ra và chọn giá mua cao nhất. Trong khi thông tin về những chiếc xe này công bố rất hạn chế, chỉ có nhãn hiệu, năm sản xuất, màu xe, đăng ký xe, số km đã đi được và giá khởi điểm. Khách hàng cũng không được tiếp cận xe trước khi tham gia đấu giá, vì vậy không nắm rõ được chất lượng xe.

Ngân hàng thanh lý ô tô xiết nợ mà không ai mua (ảnh minh họa)

Ngân hàng thanh lý ô tô xiết nợ mà không ai mua (ảnh minh họa)

Anh Lê Quốc Huy, chủ một doanh nghiệp tại Triều Khúc, Thanh Trì (Hà Nội), cho biết, muốn mua lại chiếc xe Chevrolet Van đời 2017 giá khởi điểm 185 triệu đồng từ một ngân hàng nhưng phải từ bỏ ý định.

"Tôi muốn mua về làm xe chở hàng nhẹ chạy trong thành phố, nhưng quả thực không nắm rõ tình trạng xe như thế nào, đồ còn 'xịn' không, có bị thay đổi, sửa chữa gì lớn không, có bị tai nạn hay thủy kích không,... Nếu mua với giá tiền đó, về lại phải đầu tư thêm hàng chục triệu đồng nữa mới sử dụng được, tính ra không hề rẻ. Vì vậy, xem rồi nhưng không dám mua", anh lý giải.

Nhân viên quản lý xe ô tô thu hồi tại một ngân hàng TMCP cho biết, có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không.

Nợ xấu có ngân hàng tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô
Nợ xấu có ngân hàng tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô

Giới kinh doanh xe cũ cho biết, mua những chiếc xe này phải cẩn thận, nếu không dễ lỗ như chơi. Mua về hầu hết phải làm lại nội, ngoại thất cho mới, bổ sung thay thế phụ tùng, nếu chi phí sửa chữa lớn là lỗ vốn ngay. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, nguồn cung xe cũ rất nhiều, do nhiều người gặp khó khăn mang xe bán giá cũng rẻ, người bán nhiều, người mua ít, nên nguồn xe từ ngân hàng không thật sự hấp dẫn.

Không bán được, để càng lâu xe càng hư hại, lại tốn chi phí trông coi, kho bãi,... nên càng mất giá. Nhiều ngân hàng đang đau đầu vì những tài sản này.

Hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Biên lợi nhuận cho vay mua ô tô thấp, thu hồi nợ xấu lại gian nan, nên một số ngân hàng đã chán nản, không muốn vươn lên chiếm thị phần lớn trong mảng kinh doanh này.

Tuy nhiên, kinh tế đang khó khăn, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay rất thấp. Tiền ứ đọng nhiều, không cho DN vay được, nên nhiều ngân hàng vừa qua lại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Dành hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp để kích cầu cho vay mua nhà mua xe. Hiện lãi suất cho vay mua ô tô của các ngân hàng dao động từ 6,5%-9,5%/năm cho kỳ hạn từ 6-12 tháng. Khách được vay tối đa 80% giá trị xe và thời gian vay lên tới 7 năm.

Tin cùng chuyên mục