Ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 14 năm kể từ khi gói thầu đầu tiên được đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tại Việt Nam đã để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên và ghi dấu những thành công ngày càng rực rỡ. Dù là lĩnh vực mới mẻ, lạ lẫm, dù khó khăn, trở ngại, dù hạn chế về hạ tầng, nhân lực, nhưng đội ngũ xây dựng chính sách ĐTQM luôn có được sự đồng hành, sẻ chia từ các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, bên mời thầu và cộng đồng nhà thầu.
Đấu thầu qua mạng đã trở thành một nhân tố tích cực của Chính phủ điện tử, của công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sôi động trên cả nước. Ảnh: Lê Tiên
Đấu thầu qua mạng đã trở thành một nhân tố tích cực của Chính phủ điện tử, của công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sôi động trên cả nước. Ảnh: Lê Tiên

Những người không… cô đơn

Sự ra đời của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là tất yếu nhằm tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động mua sắm chính phủ.

Năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), với sự trợ giúp của Chính phủ Hàn Quốc mà đại diện là Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tiến hành xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn dựa trên Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử của Hàn Quốc (KONEPS) và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong giai đoạn thí điểm, Hệ thống do Bộ KH&ĐT quản lý và vận hành, cung cấp cho người sử dụng đầy đủ các tính năng từ đăng tải kế hoạch đấu thầu, sơ tuyển, thông báo mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, lập biên bản mở thầu cho đến đăng tải kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu… để lựa chọn nhà thầu thông qua 4 hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh và chỉ định thầu.

Quá trình áp dụng ĐTQM có thể chia thành 3 giai đoạn: 2009 - 2011 là giai đoạn xây dựng hệ thống thông tư hướng dẫn và thí điểm tại 3 đơn vị là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và UBND TP. Hà Nội.

Giai đoạn 2 từ năm 2012 - 2015 mở rộng triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc, đồng thời nâng cấp khung pháp lý về ĐTQM tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ năm 2016, ĐTQM được triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025. Đây cũng là giai đoạn có sự phát triển vượt bậc, thần tốc của ĐTQM. Cụ thể, năm 2016 ghi nhận hơn 3.300 gói thầu được ĐTQM, tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Trong 3 năm từ 2016 - 2018, tổng số gói thầu ĐTQM đạt 26.500 gói với tổng giá trị 56,6 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2019, có 39.600 gói thầu được ĐTQM, gấp đôi năm 2018. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ gói thầu áp dụng ĐTQM đạt 86,6% về số lượng (98.172 gói thầu) và 54,6% về giá trị (303.236 tỷ đồng), bằng 1,5 lần cả giai đoạn 2016 - 2019.

Hành trình 14 năm qua của ĐTQM đối với các phóng viên Báo Đấu thầu bắt đầu bằng những hồi ức không thể nào quên về những ngày tháng đầu tiên xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử thử nghiệm. Là phóng viên được giao nhiệm vụ theo sát, phản ánh các hoạt động ĐTQM từ ngày đầu, tôi đã có nhiều trải nghiệm, gian khó và cả những lần mừng rơi nước mắt.

Tôi đã được tham gia nhiều chuyến công tác cùng lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) đến các đơn vị được giao thí điểm, những chuyến đi tới các tỉnh, thành để đào tạo, tập huấn. Ngày đó, anh Nguyễn Sơn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, anh Phạm Thy Hùng nay là Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia, một số anh em chuyên viên, phóng viên có thể nói là “nhẵn mặt” tại trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc. Đây là đơn vị sẵn sàng nhất, cởi mở nhất và tạo điều kiện tối đa cho việc áp dụng ĐTQM thời điểm chưa được quy định trong Luật Đấu thầu. Sự cởi mở này đã tạo niềm tin rất lớn, là động lực bền bỉ cho những người làm công tác đấu thầu bươn chải trên mọi chặng đường chông gai để đưa ĐTQM đi vào cuộc sống.

Một ngày đầu đông năm 2010 ở Hà Nội, anh Nguyễn Sơn trầm ngâm nói với tôi trong một chuyến công tác: “Khó khăn vô vàn em ạ. Thậm chí người ta còn tung tường lửa ra chặn mình, trong khi mình nỗ lực mọi thứ để giúp người ta tiếp cận với mô hình đấu thầu hiện đại, thông minh nhất. Anh thấy hình như càng tiến tới, càng cô đơn trong lĩnh vực này”.

Thế nhưng, chỉ sau đó 1 tuần, cũng anh Nguyễn Sơn gọi điện thoại cho tôi: “Em chuẩn bị đi sang Bắc Ninh với các anh nhé. Đi ngay, tỉnh Bắc Ninh, các anh em ở Sở KH&ĐT Bắc Ninh đã xung phong được thí điểm, xin được làm ngay. Họ không ngại bất kỳ điều gì thì mình càng không thể chần chừ”. Nghe thấy tiếng anh cười, lòng tôi ấm áp vô cùng giữa những ngày đông Hà Nội. Tôi biết rằng, ngay trong những ngày gian khó nhất này, các anh hoàn toàn không cô đơn.

Câu chuyện này làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với anh Võ Sá, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Phước. Anh tâm sự rằng, nếu nói trước năm 2018, Bình Phước là “vùng trắng” về đấu thầu qua mạng là… không oan. “Nó trắng thực sự, là vì không có chủ đầu tư nào mạnh dạn triển khai, dù được tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí mời các chuyên gia về đào tạo. Năm 2018, cả tỉnh Bình Phước chỉ có 18 gói thầu được ĐTQM, thấp nhất cả nước”, anh Sá thẳng thắn.

Bằng quyết tâm chính trị lớn của UBND Tỉnh, sự quyết liệt của Sở KH&ĐT, từ năm 2020 đến nay, Bình Phước - một tỉnh biên giới xa xôi, còn nhiều khó khăn về hạ tầng mạng, luôn nằm trong TOP 10 địa phương có tỷ lệ ĐTQM cao nhất cả nước.

Không phải tự nhiên mà ĐTQM có bước phát triển thần kỳ trong giai đoạn 2012 - 2022. Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều sở KH&ĐT cho rằng, đó là hiệu quả từ việc đưa nội dung ĐTQM vào Luật Đấu thầu năm 2013, là tinh thần quyết liệt của Bộ KH&ĐT, Cục Quản lý đấu thầu. “Việc kịp thời ban hành các thông tư quy định, hướng dẫn thực thi ĐTQM hiệu quả, tiệm cận quy định thế giới, nâng cao vai trò người dùng là bên mời thầu và các nhà thầu có vai trò tối quan trọng”, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết.

Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức đào tạo, tập huấn về thí điểm áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2010. Ảnh: Lê Tiên

Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức đào tạo, tập huấn về thí điểm áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2010. Ảnh: Lê Tiên

Những hoàn cảnh đặc biệt: Ký ức và niềm tin tương lai

Năm 2008, khi đoàn chuyên gia của KOICA (Hàn Quốc) có chuyến làm việc với Cục Quản lý đấu thầu, họ có nhã ý muốn tìm hiểu, quan sát một số buổi mở thầu diễn ra trong thời gian này tại Hà Nội. Đó là thời điểm tháng 11 - Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì trận lụt lịch sử. Có 3 bên mời thầu đồng ý hỗ trợ và các chuyên gia Hàn Quốc được tham gia mở thầu. Thế nhưng, có tới 2 gói thầu phải hủy do… lụt. Gói thầu đầu tiên, đến thời điểm đóng thầu chỉ có 1 nhà thầu kịp tới đúng giờ, nhiều nhà thầu khác gọi điện thông báo đang bị nước bao vây, không thể tiếp cận được địa chỉ của bên mời thầu. Gói thầu thứ 2, dù có mặt rất sớm, chúng tôi vẫn không thể bước vào trụ sở của bên mời thầu do… mênh mông nước. Có 2 nhà thầu bất chấp ngập lụt khệ nệ vác thùng hồ sơ dự thầu vào, nhưng toàn bộ hồ sơ đều bị nước làm ướt nhòe cả dấu niêm phong.

Năm 2016, khi tham gia mở thầu Gói thầu xây dựng trung tâm lưu trữ tại Sở Nội vụ TP.HCM, một tình huống éo le khác khiến 1 nhà thầu mạnh trong lĩnh vực xây dựng dân dụng bị lỡ cuộc thầu. Trụ sở của Sở Nội vụ nằm trong khuôn viên trụ sở UBND TP.HCM. Nhà thầu đến liên hệ công tác phải thông qua bảo vệ, trực ban và quét an ninh. Tuy nhiên, do lần đầu đến làm việc, sau khi được hướng dẫn, cán bộ nhà thầu lại đi… lạc. Khi nhà thầu tìm được đúng địa điểm thì đã quá thời gian đóng thầu 1 phút 5 giây. Nhiều năm tham gia mở thầu, đó có lẽ là một trong những kỷ niệm khó quên với tôi. Ánh mắt tiếc nuối của bên mời thầu vì họ biết nhà thầu là đơn vị uy tín, có khả năng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ánh mắt thảng thốt, buồn bã của nhà thầu khi lỡ cơ hội dự thầu chỉ vì một chút lơ đễnh, chủ quan.

Không phải tự nhiên mà ĐTQM có bước phát triển thần kỳ trong giai đoạn 2012 - 2022. Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều sở KH&ĐT cho rằng, đó là hiệu quả từ việc đưa nội dung ĐTQM vào Luật Đấu thầu năm 2013, là tinh thần quyết liệt của Bộ KH&ĐT, Cục Quản lý đấu thầu.

Hai câu chuyện thực tế cho thấy, đấu thầu truyền thống, từ nhiều góc độ, có nhiều rủi ro bất khả kháng đối với cả bên mời thầu và nhà thầu. Những rủi ro này đã và đang được hạn chế thông qua ĐTQM.

Việc biến nguy thành cơ cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực ĐTQM. Năm 2021, khi mọi hoạt động bị ngưng trệ do đại dịch Covid-19, một trong những lĩnh vực vẫn vận hành trôi chảy, thuận lợi chính là ĐTQM.

Tháng 8/2021, trao đổi với phóng viên, đại diện Công an TP.HCM cho biết, nhờ sự hướng dẫn kịp thời của Cục Quản lý đấu thầu, sau khi lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đã tiến hành thương thảo hợp đồng trực tuyến với nhà thầu. Trong khi đó, hàng loạt nhà thầu xây lắp cho biết, phát sinh lớn nhất trong giai đoạn này là nhà thầu không thể di chuyển để làm rõ, thương thảo hợp đồng. Bộ KH&ĐT và Bộ Giao thông vận tải đã kịp thời có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh cấp “luồng xanh” cho nhà thầu đi thương thảo. “ĐTQM thực sự là cứu cánh cho nhà thầu trong bối cảnh bế tắc này”, nhiều nhà thầu cho biết.

Sau 14 năm bền bỉ xây dựng, hiện đại hóa, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay có rất nhiều tính năng mới, gồm: lập giá gói thầu dành cho chủ đầu tư/bên mời thầu/cơ quan có thẩm quyền; hỗ trợ lập giá dự thầu dành cho nhà thầu; thống kê, giám sát hoạt động đấu thầu dành cho chủ đầu tư/bên mời thầu/đơn vị quản lý đấu thầu; thống kê, giám sát hoạt động đấu thầu trên trang chủ dành cho tất cả người dùng; phân tích chủ đầu tư/bên mời thầu dành cho nhà thầu; tìm kiếm kết quả lựa chọn nhà thầu trong tính năng “Tìm kiếm nâng cao” theo danh mục hàng hóa...

Các tính năng liên tục được cập nhật, bổ sung sẽ đưa ĐTQM lên một tầm cao mới, toàn diện, thông minh, tiện ích, tiếp tục góp sức thúc đẩy lĩnh vực thầu ngày càng minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục