Nhà đầu tư điện gió “ngồi trên đống lửa”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa đầy 3 tháng nữa (ngày 31/10/2021), giá mua điện gió ưu đãi hiện hành sẽ hết hạn theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang khiến hàng loạt dự án điện gió khó “về đích” kịp thời gian này do gặp nhiều khó khăn.
Tính đến ngày 22/7/2021, có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.487,8 MW gửi công văn đăng ký thử nghiệm, công nhận ngày vận hành thương mại theo đúng quy định. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến ngày 22/7/2021, có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.487,8 MW gửi công văn đăng ký thử nghiệm, công nhận ngày vận hành thương mại theo đúng quy định. Ảnh: Lê Tiên

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cùng nhiều nhà đầu tư điện gió vừa có văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng liên quan xem xét gia hạn kết thúc cơ chế mua điện gió cố định (FIT) với giá ưu đãi thêm từ 3 - 6 tháng nhằm tránh việc hàng loạt dự án điện gió bị phá sản.

Thông tin với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, hiện nay có trên 100 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 5.000 MW đang gấp rút hoàn thành. Mặc dù các chủ đầu tư dự án nỗ lực hết sức cho mục tiêu trên, tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành các dự án điện gió trước thời hạn 31/10. Hết thời hạn trên, nếu giá mua điện gió giảm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

“Các dự án điện gió đều có vốn đầu tư rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nếu không đạt tiến độ hoàn thành theo thời hạn này thì nhà đầu tư không bán được điện, mức độ thiệt hại với nhà đầu tư vô cùng lớn”, ông Thịnh bày tỏ lo ngại.

Theo ông Thịnh, hiện có rất nhiều khó khăn đang bủa vây nhà đầu tư các dự án điện gió. Trước hết là trở ngại trong việc vận chuyển, nhập thiết bị, vật tư, máy móc (phần lớn là thiết bị siêu trường, siêu trọng), nguyên liệu đến công trường phục vụ đầu tư xây dựng dự án điện gió. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, gia công và vận chuyển vật tư, thiết bị. Nhiều cảng bị phong tỏa, phương tiện vận chuyển bị trở ngại trong di chuyển do phải làm thủ tục khai báo y tế và xét nghiệm Covid-19 ở từng địa phương. Trong khi đó, các địa phương có sự bất nhất trong việc thực hiện Chỉ thị 16, một số tỉnh áp dụng Chỉ thị một cách cứng nhắc, cực đoan, gây khó khăn rất lớn cho DN.

Vừa qua, một số địa phương có chỉ đạo dừng vận chuyển thiết bị điện gió trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tối 5/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện hoả tốc gửi Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương đề nghị dừng việc vận chuyển thiết bị tuabin gió phục vụ Dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất, TP. Đà Lạt cho đến khi có thông báo mới.

Khó khăn thứ hai, theo ông Thịnh, là nguồn cung vật tư, vật liệu chính như sắt, thép, cát, sỏi, xi măng... hạn chế, giá tăng. Cùng với đó là khó khăn do thiếu chuyên gia nước ngoài và người lao động (kể cả lao động trong nước) cho việc thực hiện các dự án. Theo thông tin của chủ đầu tư các dự án điện gió V1-1, V1-3, V1-5, V1-6, do dịch bệnh phức tạp, chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam, hoặc đến được thì phải cách ly 21 ngày.

EVN cho biết, hiện nay, cả nước có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5.621,50 MW dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại trước 31/10/2021. Tính đến ngày 22/7/2021, mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.487,8 MW gửi công văn đăng ký thử nghiệm, công nhận ngày vận hành thương mại theo đúng quy định trước 90 ngày. Đến thời điểm đầu tháng 8, đã có 21 nhà máy điện gió vận hành thương mại.

Đối với lao động trong nước, hiện đang xảy ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng do một số địa phương có quy định người lao động từ các địa phương khác tới làm việc phải cách ly y tế. Vì thế, nhiều công nhân địa phương khác từ chối làm việc hoặc nghỉ việc vì dịch bệnh.

Cũng theo ông Thịnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh đa số các nhà thầu chia sẻ, cam kết đồng hành cùng các chủ đầu tư điện gió vượt qua khó khăn, vẫn có một số nhà thầu yêu cầu áp dụng điều kiện bất khả kháng để kéo dài thời gian thi công, cho dừng thi công, đẩy nhà đầu tư vào “chân tường”.

Không chỉ các dự án đang triển khai, các dự án đã thi công xong cũng chưa hết khó. Một số nhà đầu tư điện gió phản ánh, việc nghiệm thu vận hành thương mại (COD) tiềm ẩn nhiều trở ngại khi hàng loạt dự án cùng thực hiện trong tháng 9 và 10/2021, trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.

Với hàng loạt khó khăn này, các nhà đầu tư điện gió kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét gia hạn kết thúc cơ chế giá FIT nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Tin cùng chuyên mục