Nhà đầu tư PPP cần được đối xử bình đẳng

(BĐT) - Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nhà nước và nhà đầu tư là hai bên đối tác trong hợp đồng dự án. 
Việc thiếu tuân thủ hợp đồng tại các dự án PPP khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Lê Tiên
Việc thiếu tuân thủ hợp đồng tại các dự án PPP khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Lê Tiên

Thế nhưng, khi những bản hợp đồng chưa được tuân thủ chặt chẽ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn giữ tư duy cấp trên, thì nhà đầu tư còn chưa nhận được sự bình đẳng và an toàn khi đầu tư.

Nhà đầu tư luôn ở thế dưới

Là những nhà đầu tư BOT lớn, thế nhưng lãnh đạo Công ty CP Tasco, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vẫn phải than thở rằng tuy là quan hệ đối tác, nhưng họ bị đối xử như là cấp dưới, phải tuân theo nhiều mệnh lệnh hành chính và phải chịu nhiều rủi ro từ sự thiếu tuân thủ hợp đồng của cơ quan nhà nước…

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hai bên của hợp đồng dự án, nhưng khi triển khai, cơ quan nhà nước hành xử như là cấp trên, có nhiều mệnh lệnh hành chính, văn bản nhà nước can thiệp vào hợp đồng dự án, khiến nhà đầu tư rất mệt mỏi. “Luật tốt rồi, chính sách tốt rồi, nhưng hành xử có theo luật không mới là vấn đề”, ông Thủy chia sẻ.

Đáng lo ngại hơn, cơ quan nhà nước cũng không thực hiện nhiều cam kết đã đưa ra trong hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.  Ông Thủy dẫn chứng bằng chính dự án BOT Đèo Cả, vì sự thay đổi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà ảnh hưởng đến hợp đồng tín dụng nhà đầu tư đã ký với ngân hàng, dẫn đến nhà đầu tư đã phải bồi thường cho ngân hàng 90 tỷ đồng.

Đại diện một nhà đầu tư BOT lớn khác - ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tasco cũng chung phản ánh về việc nhà đầu tư chưa được coi như một bên đối tác bình đẳng trong hợp đồng dự án, vừa thể hiện ở cách hành xử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa ở việc tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Sự thiếu tuân thủ hợp đồng dẫn đến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. 

Nhà nước cần phải có cam kết rõ ràng và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, còn nếu thực hiện hay không không ai xử, cuối cùng nhà đầu tư phải chịu. Ông Dũng kiến nghị pháp luật về PPP phải làm rõ vấn đề tuân thủ hợp đồng, dù về sau có điều chỉnh chính sách thì hợp đồng đã ký vẫn là văn bản pháp lý cao nhất của dự án. 

Tăng tính pháp lý của hợp đồng

Theo Bộ KH&ĐT, hợp đồng PPP thể hiện cam kết dài hạn giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Việc thực hiện hợp đồng hiệu quả cần sự cam kết và thực hiện cam kết một cách nhất quán của Chính phủ. Điều này giúp xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư đối với Chính phủ và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thực hiện dự án PPP còn chịu sự điều chỉnh và quy định chồng chéo của nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp (luật, nghị định, thông tư...), mục tiêu này khó có thể đạt được.

Luật PPP nếu được ban hành sẽ có những quy định tăng tính pháp lý của hợp đồng PPP, giúp bảo đảm giá trị pháp lý của hợp đồng trong thời gian dài.

Một chuyên gia về đầu tư PPP nhấn mạnh rằng, Nhà nước phải thay đổi chính mình trong cuộc chơi với các nhà đầu tư, phải đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư để hiểu họ cần gì và phải đặt nhà đầu tư ở quan hệ bình đẳng.

Thực tế, tinh thần của quy định pháp luật về PPP là đặt Nhà nước và nhà đầu tư là quan hệ đối tác, bình đẳng, hài hòa lợi ích. Cơ quan nhà nước sẽ cần phải thay đổi cách hành xử, vì chính Nhà nước đang rất cần nguồn lực đầu tư, cần sự chung tay của nhà đầu tư.

Về tuân thủ hợp đồng, theo một chuyên gia về PPP, cũng phải đánh giá đầy đủ rằng, rất nhiều hợp đồng BOT được soạn thảo chưa chặt chẽ, có trường hợp nhà đầu tư không coi trọng đúng mức vai trò của hợp đồng dự án hay do chủ quan vì đã có “mối quan hệ thân mật” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng chỉ ra, thực tế thời gian qua việc xây dựng hợp đồng PPP chưa căn cứ trên cơ sở phân tích các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án, để từ đó hình thành trách nhiệm của các bên đối với việc giảm thiểu các rủi ro đó. Do đó, khi phát sinh rủi ro thường xảy ra tranh chấp. Trong tương lai, để tính pháp lý trong hợp đồng PPP được nâng cao, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài thì quy định cũng như kỹ năng xác định và phân bổ rủi ro của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng phải được nâng cao...

Nếu dự án được chuẩn bị kỹ, đấu thầu cạnh tranh minh bạch, hợp đồng chặt chẽ, phân bổ hợp lý rủi ro, thì sẽ có được những bản hợp đồng mà “ký xong chỉ cất trong tủ, không phải đưa ra điều chỉnh nhiều lần” như mong muốn của nhiều nhà đầu tư.