Nhà thầu xây dựng chịu nhiều sức ép khi huy động vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 hiện đang thi công nhiều gói thầu đã trúng vào cuối năm 2022 trong vai trò thành viên liên danh. Có thể kể đến Gói thầu số 19 Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km12+480 - Km16+550.13) thuộc Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C); Gói thầu số 6 Xây lắp toàn bộ công trình (kể cả chi phí đảm bảo an toàn giao thông và chi phí dự phòng) thuộc Dự án Cầu Văn Thánh, TP. Phan Thiết…

Ông Phạm Công Định, đại diện Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624

Mới đây, Nhà thầu cũng có mặt tại Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); Dự án Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 đoạn từ vòng xoay Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và xây dựng mới đoạn từ Quốc lộ 51 đến cầu Cửa Lấp, thành phố Vũng Tàu… với tư cách thành viên liên danh.

Dù tham gia các gói thầu với tỷ lệ tương ứng với năng lực, kinh nghiệm vốn có của Nhà thầu; đồng thời, việc huy động tài chính của Nhà thầu không dàn trải, nhưng thực tế hiện nay, các nhà thầu thi công đang chịu nhiều sức ép trong bước tiếp cận các nguồn vật liệu, đặc biệt là cát xây dựng.

Khi làm việc với các chủ mỏ cát, chủ các đơn vị cung ứng cát, Nhà thầu thường không được thương lượng về giá. Thậm chí, khi thống nhất giá, Nhà thầu đã chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình vận chuyển cát như hao hụt, khối lượng gồm cả nước. Tuy nhiên, nếu Nhà thầu có ý kiến, các chủ cát sẽ lập tức bán cho khách hàng khác. Trong khi đó, giá cát thời điểm ký hợp đồng so với giá mà Nhà thầu trực tiếp thanh toán cho đơn vị cung ứng có chênh lệch rất lớn.

Do đó, cần ổn định thị trường vật liệu xây dựng, bổ sung các nguồn cung vật liệu; đơn giá áp dụng tại các địa phương cần sát với diễn biến thị trường, đồng thời việc điều chỉnh so với hợp đồng cần tính toán để đảm bảo hài hòa cho các bên, đặc biệt cho các nhà thầu giữ sức tại các công trình.

Tin cùng chuyên mục