Nhận diện cơ hội xuất khẩu, khai thác lợi thế hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng XK 6%, tương ứng với kim ngạch XK dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD năm 2023 như Quốc hội đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều chủ thể, trong đó cần nhất là nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trên cơ sở nhận diện cơ hội và tự tin mở rộng cánh cửa đưa hàng Việt ra thế giới.
Trung Quốc đã mở cửa toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới với Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Trung Quốc đã mở cửa toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới với Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Dư địa xuất khẩu còn nhiều

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản hiện là các thị trường lớn nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng từ Việt Nam như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép. Năm 2022, tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Đóng góp 51,5% vào con số đó là 3 thị trường: Hoa Kỳ (109,39 tỷ USD, tăng 13,6%); Trung Quốc (57,7 tỷ USD, tăng 3,3%) và Hàn Quốc (24,29 tỷ USD, tăng 10,7%).

Riêng với Trung Quốc - thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã mở cửa toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới với Việt Nam. Thị trường này còn nhiều dư địa đón nhận hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Dù nhu cầu nhập khẩu giảm và chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm nay, nhiều thị trường, mặt hàng vẫn được đánh giá có cơ hội mở rộng XK.

Giày dép tiếp tục là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 1,02 tỷ USD tính từ ngày 1 - 15/1/2023, tăng gần 73%, tương ứng 430 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, đều đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Các nhóm hàng hóa này được XK chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với mặt hàng rau quả, kim ngạch XK từ đầu năm 2023 đến 15/2/2023 đạt 405,5 triệu USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng hơn 38 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng giá trị XK mặt hàng thủy sản trong tháng 2/2023 ước đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hai tháng đầu năm, có 76.934 tấn cao su đã được XK sang các nước như Trung Quốc, Nga, Hà Lan, Canada với trị giá 108,55 triệu USD, tăng 95% về lượng và 55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1/2023, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 79,49% tổng lượng cao su XK.

Bên cạnh các mặt hàng trên, Việt Nam có cơ hội XK vào nhiều thị trường/quốc gia khác. Chẳng hạn, thị trường Malaysia, Singapore, Hàn Quốc rất “chuộng” gạo Việt Nam; thị trường Hàn Quốc ưa thích xoài, thịt gà từ Việt Nam. Các mặt hàng như bưởi, chanh có thể xuất sang New Zealand. Lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... có cơ hội tăng XK sang Trung Quốc…

Một số mặt hàng mới đang định hình vị thế XK cho Việt Nam như mực và bạch tuộc xuất sang các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Trong tháng 1/2023, kim ngạch XK mặt hàng mực, bạch tuộc ước đạt 65,8 triệu USD. Năm 2022, XK mực, bạch tuộc đạt gần 763 triệu USD, tăng 25% so với năm 2021.

Australia, Phần Lan và các nước Bắc Âu ưa thích nhập khẩu các sản phẩm từ quả dừa Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch XK các sản phẩm từ dừa ước đạt trên 900 triệu USD và được dự báo sẽ vượt 1 tỷ USD trong năm 2023. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản gia tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam và giảm lượng chuối nhập từ các quốc gia khác. Diễn biến này mang lại tín hiệu tốt cho các nhà XK Việt Nam khi đã chinh phục được thị trường Nhật Bản với yêu cầu rất cao về chất lượng, nhất là các mặt hàng nông sản.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan còn cho biết, XK đồ chơi, dụng cụ thể dục thể thao sang Australia có xu hướng tăng; quần áo với chất liệu denim có tiềm năng XK vào thị trường EU khi mức thuế nhập khẩu vào thị trường này hiện chỉ từ 4 - 6% và dự báo về 0% trong 2 năm tới.

Chủ động đón cơ hội

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng XK bình quân 8 - 9%/năm, cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030.

Việc khó nhất là xác lập thị trường và đưa nhiều mặt hàng từ Việt Nam sang thị trường quốc tế chúng ta đã làm được. Việc tiếp theo là làm thế nào để DN nhận diện rõ cơ hội và nâng cao lợi thế cạnh tranh? Trong thế giới đầy biến động, trả lời câu hỏi trên không dễ, nhưng không phải là không thể nếu có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là các DN.

Về nền tảng chính sách, DN cần cập nhật, nắm vững các văn bản pháp lý, định hướng và các chính sách hỗ trợ XK, trong đó có Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan… Cùng với đó, DN cần nắm vững các yêu cầu, quy định của nhà nhập khẩu, nhất là yêu cầu về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ. Bước chân vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và các nước Bắc Âu rất khó, nên DN càng cần giữ sự chuẩn mực trong quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng để hàng Việt XK bền vững sang các thị trường này.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ - thị trường XK lớn nhất của Việt Nam - là một trong những nước đi đầu về thực hiện chính sách “kinh tế xanh”. Pháp, Singapore, Hàn Quốc cũng đang chuyển đổi nền kinh tế theo xu hướng này. DN nước ta có thuận lợi khi Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng đang hướng tới các chương trình hải quan xanh. Cùng với đó, các nghị quyết, chiến lược chuyển hướng sang kinh tế xanh đã được Nhà nước và nhiều bộ, ngành ban hành, trong đó có các quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích DN phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục