Nhiều nhà nhập khẩu cho biết đang lên kế hoạch tăng khối lượng nhập khẩu mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng… của Việt Nam. Ảnh: BT |
Lạc quan về triển vọng xuất khẩu
Bức tranh XK của Việt Nam 2 tháng đầu năm phản ánh khá rõ tình hình kinh tế thế giới với lượng đơn hàng của một số mặt hàng XK chủ lực như thủy sản, dệt may… sụt giảm so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhìn về triển vọng XK hàng Việt vào châu Âu, hơn 20 nhà nhập khẩu đến từ các thị trường lớn tham dự Tọa đàm “Cơ hội XK vào châu Âu 2023 và làn sóng nhập khẩu để tái thiết đất nước của DN Thổ Nhĩ Kỳ” vừa được Công ty TNHH VietGo tổ chức bày tỏ lạc quan về triển vọng XK của Việt Nam thời gian tới.
Theo một số nhà NK, nửa cuối năm nay, kinh tế châu Âu sẽ bước vào thời kỳ phục hồi, các hoạt động tái thiết kinh tế được tăng cường, dự báo sẽ tạo tiền đề hình thành “làn sóng” NK lớn. Bản thân họ mong muốn tìm được những đối tác, những mặt hàng phù hợp từ Việt Nam.
Ông Jaroslaw Polanski - lãnh đạo một DN phân phối vật liệu xây dựng tại Ba Lan cho rằng, DN Việt Nam có cơ hội thúc đẩy XK mặt hàng này vào châu Âu cũng như tham gia quá trình tái thiết đất nước của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ukraine.
Về tiềm năng thị trường, theo ông Jaroslaw Polanski, thị trường hàng vật liệu xây dựng châu Âu (không bao gồm Vương quốc Anh) có quy mô hàng trăm tỷ euro/năm. Thời gian qua, thị trường này suy giảm do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, nhưng còn nhiều tiềm năng. Đơn cử, Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, cần rất nhiều hàng hóa như: xi măng, gạch ốp lát… Cùng với đó, nếu xung đột quân sự Nga - Ukraine kết thúc, công cuộc tái thiết ở Ukraine sẽ là cuộc tái thiết lớn trong lịch sử, sẽ cần rất nhiều hàng hóa từ hàng tiêu dùng cho tới vật liệu xây dựng… với giá trị hàng nghìn tỷ euro.
“DN Việt Nam có khả năng cung cấp các mặt hàng này với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, cùng với lợi thế giao hàng nhanh nên hoàn toàn có thể góp sức vào quá trình tái thiết”, ông Jaroslaw Polanski khẳng định.
Ông Pierre Dumont - nhà NK mặt hàng viên nén gỗ dùng làm nhiên liệu đến từ Tây Ban Nha cho biết, nhu cầu mặt hàng này ở châu Âu đang rất lớn. Viên nén mùn cưa của Việt Nam làm bằng gỗ keo có chất lượng rất tốt. Đây là cơ hội để DN Việt Nam gia tăng XK viên nén gỗ vào thị trường châu Âu.
Một số nhà NK khác đến từ Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines… cũng tiết lộ, đang lên kế hoạch tăng khối lượng NK nhiều mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng… của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VietGo chỉ ra các lợi thế lớn tạo nền tảng vững chắc cho XK của Việt Nam là: đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA); có đường bờ biển dài, là tuyến chính của đường hàng hải quốc tế nên luôn có cước vận tải biển cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để thúc đẩy XK trong thời gian tới.
Tọa đàm “Cơ hội XK vào châu Âu 2023 và làn sóng nhập khẩu để tái thiết đất nước của DN Thổ Nhĩ Kỳ” |
Củng cố năng lực đón đầu cơ hội
Gợi mở về con đường đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu cũng như tham gia quá trình tái thiết của các quốc gia nêu trên, ông Kamil Wralka - đại diện một nhà NK đến từ Ba Lan cho biết, xu hướng tiêu dùng của thị trường châu Âu hiện nay cũng như thời gian tới là chọn sản phẩm xanh, sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. DN XK của Việt Nam cần lưu ý điều này để sản xuất những sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
Đề cập cụ thể về “hàng rào” kỹ thuật, ông Pierre Dumont chỉ ra, viên nén mùn cưa gỗ keo của Việt Nam dù có chất lượng tốt hơn gỗ thông nhưng hiện khó vào thị trường châu Âu do rào cản về chứng nhận FSC (nguồn nguyên liệu có kiểm soát). Do đó, ông mong muốn nhà cung cấp Việt Nam tuân thủ chặt chẽ quy định và tiến hành làm chứng nhận này để có thể XK chính ngạch vào thị trường châu Âu.
Một số nhà NK cảnh báo, gần đây, có hiện tượng một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa NK như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng NK… gây khó khăn cho DN XK. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, tạo áp lực cạnh tranh đối với các quốc gia có mặt hàng XK tương đồng, trong đó có Việt Nam.
Để hỗ trợ DN XK khai thác tốt hơn cơ hội thị trường, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy XK như: theo sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng DN và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN...