Nhận diện rủi ro khi cho vay dự án BOT

(BĐT) - Tuy nợ xấu được công bố chiếm tỷ lệ không lớn trên tổng mức dư nợ, nhưng với nhiều dự án BOT giao thông nghìn tỷ đã và đang được các ngân hàng cấp tín dụng, chỉ một vài dự án xảy ra rủi ro cũng có thể khiến nợ xấu tăng lên...
Tổng hạn mức cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông vẫn tăng mạnh. Ảnh: Nhã Chi
Tổng hạn mức cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông vẫn tăng mạnh. Ảnh: Nhã Chi

Trong khi các dự án BOT luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì mối lo ngại này không phải là không có cơ sở.

Ngân hàng Nhà nước siết, cho vay BOT vẫn tăng

Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 3/2016, toàn hệ thống có 19 TCTD phát sinh dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT với tổng hạn mức cấp tín dụng là 162,7 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cấp cho các dự án BOT (chiếm 74,6%).

Tuy năm qua Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu siết cho vay BOT, nhưng thống kê của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tổng hạn mức cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT vẫn tăng mạnh (10,1%) trong quý IV/2015 và tiếp tục tăng trong quý I/2016 với mức 10 nghìn tỷ đồng (6,5% so với cuối năm 2015). Trong đó, tăng nhiều nhất là tại BIDV (6,9 nghìn tỷ đồng) và VietinBank (1,76 nghìn tỷ đồng).

Dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT đến cuối tháng 3/2016 đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 8,5% so với cuối năm 2015 và bằng 54,9% tổng hạn mức cấp tín dụng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận xét, tốc độ tăng này cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng với nền kinh tế các tháng đầu năm.

Dư nợ tập trung chủ yếu tài trợ các dự án giao thông mở rộng Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 14, Quốc lộ 18, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18... Trong đó, BIDV và VietinBank là hai ngân hàng có dư nợ tăng lớn nhất trong quý I/2016.

Có thể kể đến những khoản tín dụng hàng nghìn tỷ đồng của hai ngân hàng này như Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy - TP. Hà Tĩnh được ngân hàng BIDV cho vay 2.053 tỷ đồng; Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được VietinBank cho vay hơn 9.400 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được VietinBank cho vay 6.467 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư 12.188 tỷ đồng cũng đang được thẩm định xem xét với mức đề nghị vay ngân hàng là 10.894 tỷ đồng, trong đó VietinBank cho vay 4.000 tỷ đồng, TPBank cho vay 700 tỷ đồng, phần còn lại BIDV làm đầu mối để thu xếp cho vay khoảng 30 - 50% tổng nhu cầu vay của Dự án. 

Có lo ngại nợ xấu?

Theo báo cáo của các TCTD, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông được ngân hàng tài trợ vốn, hiện có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng), nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án.
TS. Nguyễn Thị Thái Hưng, Khoa Ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng nhận định, trong giai đoạn tới, việc thực hiện các dự án BOT sẽ tăng ở những dự án quy mô ngày càng lớn, do đó dư nợ đối với loại dự án này sẽ có xu hướng tăng lên tại nhiều ngân hàng. Bà Thái Hưng chỉ ra những rủi ro có thể xảy ra đối với các dự án BOT là rủi ro pháp lý, rủi ro dự án chậm tiến độ, rủi ro khi xác định tổng mức đầu tư và quyết toán, rủi ro chất lượng dự án không bảo đảm…

Những rủi ro này của dự án BOT có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn và có thể dẫn đến rủi ro tín dụng đối với ngân hàng cho vay khi dự án BOT giao thông có nguồn thu phí không đạt dự tính, không có khả năng trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn theo cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Tuy theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong dư nợ tín dụng cho dự án BOT của các ngân hàng thương mại, nhưng không ít người vẫn lo ngại chỉ một vài rủi ro xảy ra với những dự án nghìn tỷ, cục diện có thể thay đổi.

Dự án BOT Xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai do VietinBank cấp tín dụng 1.450 tỷ đồng, với thời gian vay 14 năm, chiếm 80% tổng mức đầu tư là một ví dụ. Chỉ ít lâu sau khi khai thác, đoạn đường thuộc Dự án đã bị hư hỏng nặng, buộc phải dừng thu phí trong 4 ngày để khắc phục, khiến nhà đầu tư hụt thu hàng tỷ đồng. Với chất lượng thi công như vậy, trong 14 năm để trả nợ, rủi ro này có lặp lại hay không? Ngoài ra, theo kết luận của cơ quan quản lý sau khi tiến hành thanh tra, doanh thu thực tế của Dự án thấp hơn trong phương án tài chính khoảng hơn 25,4 tỷ đồng mỗi năm, dẫn đến thời gian hoàn vốn sẽ không như dự kiến. Với những bất lợi này, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thu hồi vốn và hoàn trả nợ cho VietinBank đúng hạn.

Rủi ro chậm tiến độ xảy ra với rất nhiều dự án BOT. Theo báo cáo của các TCTD, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông được ngân hàng tài trợ vốn, hiện có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng), nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Trong số này, có nhiều dự án do VietinBank và BIDV tài trợ vốn. Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ TP. Đông Hà đến thị xã Quảng Trị do BIDV cấp tín dụng hàng trăm tỷ đồng là một ví dụ. Kết quả kiểm toán Dự án chậm tiến độ so với hợp đồng BOT tới 44 tháng (gần 4 năm), là nguyên nhân chính làm tăng tổng mức đầu tư lên khoảng 178,1 tỷ đồng, chủ yếu do trượt giá, lãi vay.