Nhập siêu mạnh từ ASEAN do ô tô Thái, Indonesia tăng tốc về Việt Nam

Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc được kìm hãm thì nhập khẩu, nhập siêu của Việt Nam từ các nước ASEAN lại tăng nhanh. Ba tháng đầu năm, Việt Nam thâm hụt thương mại với 8 nước có quan hệ thương mại trong ASEAN hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhập siêu trên 18%.
Xe nhập từ Thái Lan, Indonesia tăng mạnh khiến thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam và các nước trong khối ASEAN ngày càng lớn.
Xe nhập từ Thái Lan, Indonesia tăng mạnh khiến thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam và các nước trong khối ASEAN ngày càng lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, riêng trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 6,42 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ 8 nước ASEAN, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng hơn 900 triệu USD. Tốc độ tăng nhập khẩu đang cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu dù nhiều hàng hóa Việt Nam đã được bỏ thuế quan xuất khẩu vào các nước ASEAN trước khi các nước ASEAN xuất sang Việt Nam.

Ba thị trường Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD trong 3 tháng qua là Thái Lan với 2,1 tỷ USD, Singapore với 1,3 tỷ USD, Malaysia là hơn 1,3 tỷ USD, trong khi đó, Việt Nam chỉ có duy nhất thị trường Thái Lan đạt trị giá xuất khẩu 1 tỷ USD.

Các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn và tăng mạnh thời gian qua là Thái Lan, nhập siêu 1,1 tỷ USD, Indonesia là hơn 180 triệu USD, Malaysia là hơn 400 triệu USD và Singapore là hơn 600 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam tăng thêm 1 thị trường nhập siêu, là Indonesia.

Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu của khu vực ASEAN tăng lên là do thuế quan nhiều mặt hàng có xuất xứ từ ASEAN đã và đang được dỡ và xóa bỏ nhiều dòng thuế suất nên lượng hàng nhập đã tăng mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như: ô tô nguyên chiếc, máy móc, phụ tùng thiết bị, phụ kiện ô tô, xăng dầu....

Ngoài ra, những hàng hóa thông thường của ASEAN đang xâm nhập Việt Nam theo chuỗi bán lẻ lớn như: hàng tiêu dùng, hoa quả, thực phẩm, may mặc từ Thái Lan, Philippines hay gỗ từ Lào, Campuchia... cũng giúp nhập khẩu gia tăng, nhập siêu lớn.

Đặc biệt, gần đây, xe hơi nguyên chiếc của Thái Lan, Indonesia; linh phụ kiện ô tô của Malaysia nhập khẩu về Việt Nam với số lượng lớn không chỉ làm tăng lượng hàng mà khiến thâm hụt giá trị thương mại của Việt Nam với các nước trên ngày càng nặng nề.

Cụ thể, tính riêng xe Thái Lan nhập về Việt Nam, 3 tháng đầu năm đã đạt hơn 10.000 chiếc, chiếm hơn 38% tổng lượng xe nhập của Việt Nam; xe có xuất xứ từ Indonesia cũng chiếm hơn 16,6%. Cả hai thị trường hiện chiếm gần 55% tổng lượng xe nhập của Việt Nam. Điều này vừa chi phối về thị trường xe hơi nhập khẩu vừa khiến giá xe nhập về Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giảm nhanh, mạnh.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại: Nhập siêu ASEAN tăng chứng tỏ các nước đang khai thác tốt thị trường Việt Nam khi giảm thuế. Việt Nam cần có những đánh giá tác động của nhập siêu từ ASEAN để có biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước và đánh giá hiệu quả mở cửa, gia nhập các sân chơi tự do hoá.

Nếu nhập siêu gia tăng vào các hàng hóa tiêu dùng, thay vì nguyên liệu sản xuất thì rõ ràng đây là rủi ro cho kinh tế Việt Nam, có khả năng chúng ta sẽ chuyển nhập siêu từ Trung Quốc sang nhập siêu từ các nước ASEAN do thuế rẻ.

Theo ông Tuyển, vấn đề chuyển đổi nhập siêu từ 1 thị trường truyền thống như Trung Quốc sang các thị trường mới như ASEAN không làm thay đổi bản chất của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, điều này sẽ khiến Việt Nam giảm cạnh tranh với chính các nền kinh tế thành viên AEC, khi luồng đầu tư mới và cả nhà đầu tư cũ có thể sẽ dịch chuyển sang các nước trong khối nếu điều kiện kinh doanh lý tưởng, minh bạch hơn. 

Tin cùng chuyên mục