Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN |
Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Bên lề phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, đến thời điểm này, việc bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện. Do đó, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau.
Theo đại biểu, việc thay đổi này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về các thủ tục như in ấn, thời gian của nhân dân. Khi bỏ cái cũ đã tồn tại lâu năm để chuyển sang cái mới, ắt sẽ có nhiều khó khăn và vướng mắc, tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an là cố gắng làm sớm để quản lý xã hội một cách thuận lợi.
Theo lộ trình của Bộ Công an, cuối năm nay sẽ thu thập thông tin, nhập liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc; đầu năm 2020 sẽ triển khai thi hành Luật Căn cước công dân trên cả nước. Trong đó, 12 số trên thẻ căn cước công dân đồng thời là số định danh cá nhân. Trẻ ra đời sẽ được cấp số định danh cá nhân gắn với công dân đó suốt đời. Bộ Công an sẽ triển khai hạ tầng phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Nhiều đại biểu cho rằng quản lý thông tin qua dữ liệu cần đảm bảo tính bảo mật, các cơ quan quản lý cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp bởi nhiều lĩnh vực đang gắn liền với sổ hộ khẩu. Về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng cơ quan quản lý các dữ liệu có trách nhiệm bảo mật cho công dân, nếu để lộ sẽ có chế tài xử lý.
Đồng quan điểm với việc thay đổi trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết, đơn giản thủ tục hành hành chính, giảm bớt giấy tờ để quản lý bằng công nghệ thông tin là cần thiết, nhưng việc quản lý vẫn phải chặt chẽ. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ đến mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Theo đại biểu, việc chuẩn bị mọi điều kiện để thích ứng với sự đổi mới là rất cần thiết, nhưng quá trình đó phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ con người, cơ sở vật chất và ý thức của mỗi người dân. Để việc thay đổi đạt hiệu quả, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, Nhà nước, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến mỗi người dân; trong qua trình thực hiện cần tìm ra các mô hình, địa phương làm tốt để tuyên dương và nhân rộng.