Có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không biết thông tin về AEC. Ảnh: Lê Tiên |
Nước đến chân vẫn chưa nhảy
Từ thời điểm ngày 31/12/2015 trở đi, 10 nước trong khối ASEAN khi bước vào ngôi nhà chung AEC sẽ được tự do giao thương, tự do đầu tư, tự do cung cấp dịch vụ, tự do di chuyển vốn và tự do di chuyển lao động có kỹ năng. Một thị trường lớn có GDP xấp xỉ 2.400 tỷ USD, với trên 600 triệu dân, được dự báo sẽ tạo ra một “cú hích” mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh phía Nam, hơn 97% DN ở Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và vừa. Trong chặng đường tới, DN nhỏ và vừa tiếp tục là trung tâm trong quá trình phát triển của Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc các DN này cần phải chủ động tích cực tham gia hội nhập hơn nữa, nhất là khi AEC chính thức hình thành.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Robert Trần, Tổng giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương thì điều lo ngại nhất là hiện có tới 72% DN vừa và nhỏ của Việt Nam không biết gì về AEC. Trong khi đó, ngoài những thuận lợi thì thách thức khi tham gia AEC là không hề nhỏ.
Dù chỉ mới chuẩn bị bước vào sân chơi chung, nhưng AEC dự báo sẽ có sự phân hóa lớn. Điều này cũng đồng nghĩa, việc các DN Việt Nam thâm nhập thị trường khác trong AEC không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nếu không nói là sẽ tương đối khó khăn.
“Các nước ai cũng lo ngại “thua trên sân nhà” nên họ sẽ dựng lên nhiều hàng rào phi thuế quan. Nhiều khả năng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, kể cả việc đặt ra các tiêu chuẩn hàng hóa, sức khỏe, môi trường sẽ được họ sử dụng như một “bảo bối””, ông Robert Trần nhận định.
Hiện có tới 72% DN vừa và nhỏ của Việt Nam không biết gì về AEC. Trong khi đó, ngoài những thuận lợi thì thách thức khi tham gia AEC là không hề nhỏ.
Đi tìm nguyên nhân về việc các DN Việt Nam, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, còn thờ ơ với AEC, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều DN cho rằng, một phần do thông tin họ tiếp cận về AEC chưa có tính hệ thống, chủ yếu là qua phương tiện truyền thông, mặt khác do DN chưa lượng giá được những tác động và ảnh hưởng trực tiếp từ AEC nên cứ để tới đâu hay tới đó. Trong khi đó, cái bóng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao trùm quá lớn, dù biết rằng phải chờ ít nhất 2 - 3 năm tới mới có hiệu lực, cũng là lý do khiến nhiều DN lơ là.
Không biết tận dụng, thời cơ sẽ thành thách thức
Năm 2010, tức từ khi Brunei, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines gỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng của Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN tăng mạnh. Từ đó đến nay, cùng với Mỹ và Châu Âu, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Rõ ràng, ASEAN là một thị trường hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao và đang hứa hẹn hấp thụ một nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư đến từ Australia, New Zealand, Mỹ, Canada…
Bước vào AEC là bước vào một cuộc chơi. Nói như ông Robert Trần, trong cuộc chơi này, thời cơ và thách thức đối với DN Việt Nam luôn song hành, nếu không biết nắm bắt thời cơ thì vô hình trung chính nó lại biến thành thách thức.
Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và du lịch Vietjet cho biết, nhiều người, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang coi việc tham gia AEC là chuyện “quốc gia đại sự” của Chính phủ, nên đa phần chưa có sự chuẩn bì gì. “Vào AEC, DN Việt Nam chắc chắn bị mất một số ngành do trong quá trình cạnh tranh không chống chọi nổi nên bị đào thải. Song, vẫn có những ngành như khách sạn, du lịch hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh. Nếu không cạnh tranh được với các công ty lớn thì các DN trong nước, nhất là DN nhỏ, nên chọn thị trường “ngách”, bà Cao Phẩm Hằng khuyến cáo.
Sự chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về AEC không những khiến các DN trong nước khó vươn ra thị trường lớn mà còn “thúc thủ” ngay trên sân nhà. Vì vậy, theo bà Nguyễn Ngọc Khánh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Hưng An Phú, để tận dụng cơ hội, các DN phải thích ứng và thay đổi “ngay” và “luôn” chứ không thể tiếp tục chần chừ. Nếu thất bại ở thị trường AEC, khi bước vào TPP ắt sẽ có nhiều trở ngại.
“Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực cũng như kinh nghiệm qua hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế toàn cầu là Nhà nước và DN phải cùng nỗ lực để đạt được thành công. DN cần phải có kế hoạch xây dựng, điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh, tình hình mới khi AEC chính thức hình thành. Bên cạnh đó, với vai trò quản lý vĩ mô, Chính phủ cũng cần có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn khi mà dấu mốc 31/12/2015 đã đến gần”, ông Bùi Hồng Cường, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.