Nhiều giải pháp chặn tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu lần này được nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến những quy định để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, thông thầu, gian lận, quân xanh - quân đỏ trong đấu thầu còn diễn ra phức tạp, tinh vi trong thời gian qua.
Rất nhiều nhà thầu đã có kiến nghị, phản ánh đến Báo Đấu thầu, thể hiện sự bức xúc cũng như kỳ vọng các cuộc thầu thực sự cạnh tranh, tạo cơ hội cho đông đảo nhà thầu tham gia. Ảnh: Lê Tiên
Rất nhiều nhà thầu đã có kiến nghị, phản ánh đến Báo Đấu thầu, thể hiện sự bức xúc cũng như kỳ vọng các cuộc thầu thực sự cạnh tranh, tạo cơ hội cho đông đảo nhà thầu tham gia. Ảnh: Lê Tiên

Theo dõi của Báo Đấu thầu trong nhiều năm qua cho thấy, dù quy định pháp luật về đấu thầu đã đầy đủ, thông tin đấu thầu đã minh bạch, nhưng các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu “ruột” vẫn có nhiều chiêu thức từ lộ liễu đến cài cắm tinh vi để hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Rất nhiều nhà thầu đã có kiến nghị, phản ánh đến Báo Đấu thầu, thể hiện sự bức xúc cũng như kỳ vọng các cuộc thầu thực sự cạnh tranh, tạo cơ hội cho đông đảo nhà thầu tham gia.

Tổng kết từ thực tế thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ở nhiều địa phương, việc phát hiện và xử lý sai phạm trong công tác đấu thầu vẫn còn chưa triệt để. Công tác hậu thanh tra, kiểm tra chưa thực sự được quan tâm, dẫn tới các tồn tại, vi phạm không được giải quyết triệt để và tiếp tục tái diễn. Hành vi thông thầu, gian lận… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa bảo đảm tính khách quan, dẫn đến xử lý kém hiệu quả các kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư và các bên liên quan…

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) là phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Đồng thời, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu...

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế. Hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện; sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp, tự thực hiện nhằm hạn chế tình trạng áp giá cao trong mua sắm trực tiếp, khắc phục tình trạng lạm dụng hình thức tự thực hiện để giao gói thầu cho các đơn vị trực thuộc chủ đầu tư thực hiện thay vì áp dụng đấu thầu rộng rãi...

Để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bổ sung, hoàn thiện quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu. Bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong lựa chọn nhà thầu.

Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định về hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền. Quy trình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu được quy định rõ hơn…

Thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các hành vi bị cấm tại Dự thảo Luật chủ yếu quy định đối với nhà thầu. Các hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định, trong khi Dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18) và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư. Do đó, đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

Về quy định cấm hành vi cản trở, Ủy ban đề nghị quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế, việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu. Đồng thời, nên giao Chính phủ quy định chi tiết tại văn bản dưới luật về hành vi và chế tài đối với quy định này.

Về hủy thầu và đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Ủy ban cho rằng, đây là những vấn đề mới được đưa vào Luật nhưng rất phức tạp, cần đánh giá tổng kết thực tiễn, rà soát kỹ lưỡng để quy định bảo đảm khả thi. Cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về xử lý vi phạm, gắn trách nhiệm trong việc đền bù chi phí khi hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự và các luật khác.

“Đề nghị cân nhắc quy định về cơ quan độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu”

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trên thực tế, mặc dù đã có quy định đầy đủ về cơ chế giải quyết kiến nghị và nhà thầu, nhà đầu tư có thể bỏ qua cơ chế kiến nghị để khởi kiện thẳng ra tòa án, tuy nhiên hiệu quả giải quyết kiến nghị vẫn còn rất thấp. Theo quy định hiện hành, khi cần kiến nghị, nhà thầu sẽ gửi đơn đến chủ đầu tư (đối với dự án), bên mời thầu (đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung). Như vậy, nhà thầu gửi đơn kiến nghị để yêu cầu người xử lý kiến nghị giải quyết chính những việc mà người đó đã làm chưa đúng. Có một số trường hợp trách nhiệm của người xử lý kiến nghị chưa cao, chủ đầu tư biết sai nhưng vẫn cố bảo vệ cho cái sai của mình, dẫn đến kết quả xử lý kiến nghị rơi vào bế tắc. Còn hội đồng tư vấn bao gồm đại diện của người có thẩm quyền cung cấp ý kiến tư vấn dưới dạng báo cáo kết quả làm việc và gửi lên người có thẩm quyền, như vậy, hội đồng tư vấn về giải quyết kiến nghị không có quyền đưa ra những quyết định độc lập. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định về cơ quan độc lập để giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.

“Nhiều hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh của công dân”

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình)

Về phạm vi điều chỉnh, việc liệt kê các hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh, các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật có khả năng dẫn tới không linh hoạt, vướng mắc. Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm.

Đối với thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, Dự thảo Luật chủ yếu quy định do cơ quan nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh của công dân. Cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu lại, rà soát quy định thẩm quyền giám sát cho các tổ chức chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc, nhân dân.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, cần bổ sung cơ chế hậu kiểm; bổ sung chế tài cụ thể, nghiêm minh hơn đối với hành vi vi phạm trong công tác đấu thầu cũng như vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình triển khai chức năng, nhiệm vụ của mình.

“Vấn đề kiểm soát dự toán trong đấu thầu cần được đặc biệt quan tâm”

Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên)

Thực tiễn thời gian qua, nhiều trường hợp thực hiện đúng quy trình vẫn thất thoát, lãng phí, nhiều dự án lớn chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn. Dự thảo Luật cần bao quát đề ra giải pháp giải quyết.

Đặc biệt, vấn đề kiểm soát dự toán trong đấu thầu cần được đặc biệt quan tâm. Chủ đầu tư kiểm soát dự toán tốt thì gần như không thất thoát, còn dự toán làm không tốt thì dù làm đúng quy trình vẫn thất thoát. Thời gian qua, lập dự toán và thẩm định dự toán nhiều trường hợp chưa tốt. Việc xây dựng dự án, lập dự toán trong đấu thầu nếu làm tốt hạn chế rất nhiều rủi ro. Kiểm soát về giá là gốc của vấn đề.

Tin cùng chuyên mục