Thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW: Kinh tế tư nhân đón “làn gió mới” từ cơ chế vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đề xuất quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, qua đó tạo cú hích, thúc đẩy khu vực KTTN bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Dự thảo thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học...
Dự thảo thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học...

Trình bày trước Quốc hội ngày 15/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTN nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cụ thể, Dự thảo thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp (DN) vừa và lớn, DN tiên phong phát triển bứt phá.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Dự thảo quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết phá sản DN theo thủ tục rút gọn.

Nội dung về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh gồm hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, Dự thảo Nghị quyết đưa ra một số giải pháp chính sách gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho KTTN trong hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG; ưu đãi thuế…

Liên quan đến hoạt động mua sắm công, Dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế ưu đãi vượt trội trong lựa chọn nhà thầu nhằm hỗ trợ các DNNVV. Theo đó, gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho DNNVV, trong đó ưu tiên DN do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ, DN ở miền núi, biên giới, hải đảo. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có DNNVV đáp ứng được yêu cầu thì được phép đấu thầu lại và không phải áp dụng quy định trên.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Dự thảo Nghị quyết đề xuất Nhà nước mở rộng sự tham gia của DN thuộc khu vực KTTN vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại Dự thảo Nghị quyết như Chính phủ đề xuất.

Về ưu đãi lựa chọn nhà thầu, cơ quan thẩm tra lưu ý, quy định tại Dự thảo Nghị quyết khác với điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023 (gói thầu xây lắp không quá 5 tỷ đồng được dành cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ tham dự thầu). Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết báo cáo, thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất mức giá gói thầu là 20 tỷ đồng, dự báo tác động tích cực của chính sách để tăng tính thuyết phục.

“Đối với các gói thầu tư vấn có giá 20 tỷ đồng được coi là quy mô tương đối lớn, trường hợp không có DNNVV đáp ứng tiêu chuẩn sẽ phải đấu thầu lại, có rủi ro kéo dài thời gian thực hiện, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm. Cùng với đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn, bảo đảm hiệu quả, đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ độc quyền thì DNNVV khó đáp ứng được”, ông Mãi lưu ý.

Về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, một số ý kiến cho rằng, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong việc lựa chọn hình thức triển khai theo nguyên tắc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình, tránh tình trạng e ngại, né tránh trách nhiệm…

Tin cùng chuyên mục