Nhiều khuyến nghị cải thiện môi trường kinh doanh từ DN EU

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhờ chương trình tiêm chủng đầy tham vọng, nhiều doanh nghiệp châu Âu có thể mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Mục tiêu của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam không chỉ để tồn tại sau đại dịch mà là phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng hơn. Đó là phát biểu của ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại sự kiện Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU và Lễ ra mắt Sách trắng 2021.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Công Thành
Nhiều doanh nghiệp châu Âu cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Công Thành

Ông Alain Cany cho biết, trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 12%. EU đẩy nhanh lộ trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vì đây được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất để hai bên phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và hướng tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng hơn.

Ông Guru Mallikarjura, Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ không dễ dàng, chưa sớm kết thúc. Tuy nhiên, ông Mallikarjura cam kết Bosch sẽ tiếp tục các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với lộ trình mở rộng trong 5 năm tới bằng cách tăng gấp đôi công suất của Trung tâm Phần mềm, thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai và thành lập văn phòng Công ty tại TP.HCM.

Triển vọng dài hạn cho thương mại, đầu tư giữa 2 bên vẫn tích cực và đầy hứa hẹn, song các doanh nghiệp châu Âu cũng đưa ra một số khuyến nghị và tin tưởng nếu được thực hiện sẽ giúp kinh tế Việt Nam sớm phục hồi, bền vững hơn.

Đại diện Decathlon, doanh nghiệp EU đặt chân vào Việt Nam từ năm 1995 cho biết, từ Việt Nam, Decathlon đã mang các sản phẩm đến các cửa hàng tại 60 quốc gia trên thế giới. Đối với Decathlon, Việt Nam là quốc gia sản xuất lớn thứ 2 trên toàn cầu. Dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng với Decathlon, Việt Nam đang và sẽ vẫn là một quốc gia sản xuất quan trọng. Song đại diện Decathlon khuyến nghị, Việt Nam cần tăng tốc nội địa hóa các sản phẩm đầu chuỗi giá trị như sợi, nguyên vật liệu..., mang lại ảnh hưởng tích cực cho cả chuỗi cung ứng. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi tự động hóa và số hóa các hoạt động nhằm đạt được năng suất, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp EU mong đợi một hệ thống được số hóa đồng bộ hơn và giảm thiểu những quy định, quy trình phức tạp và chồng chéo trong lĩnh vực hải quan.

Ông Juergen Weber, Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc EuroCham đánh giá, rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của lĩnh vực này là thiếu đất kho bãi/hậu cần để cho phép phát triển các trung tâm phân phối, hậu cần chất lượng, đặc biệt là xung quanh TP.HCM và Hà Nội.

Ông Torben Minko, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán thuộc EuroCham cho biết, Nghị định 98/2021/NĐ-CP là một bước cải tổ lớn trong quản lý trang thiết bị y tế (thay đổi hoạt động cấp phép lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chú trọng triệt để cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế). Tuy nhiên, việc yêu cầu kê khai giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, lợi nhuận dự kiến… lại là quan ngại vô cùng lớn của doanh nghiệp châu Âu về tính hợp lý và khả năng thực thi. Bởi, theo điều ước quốc tế của WTO, giá vốn nhập khẩu là thông tin được bảo mật, nghiêm cấm các thành viên WTO (trong đó có Việt Nam) công bố giá vốn nhập khẩu khi không có sự đồng thuận của đơn vị cung cấp mức giá đó. Ngoài ra, việc kê khai giá cũng ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp với các đối thủ trên thị trường; việc kê khai tương đối nhiều cũng làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Liên quan tới các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, mặc dù Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Nghị định lại chưa đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về việc phân tích, điều chỉnh, định lượng các chi phí hoạt động trong bối cảnh Covid-19 tác động đến doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp khuyến nghị, cần ban hành ngay hướng dẫn về điều chỉnh chi phí hoạt động; trong trường hợp hồi tố dẫn tới việc người nộp thuế nộp thừa thuế thì số thuế nộp thừa được chuyển tiếp sang kỳ tiếp theo để bù trừ với số thuế phải nộp tương ứng nhằm hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục