Nhiều ngân hàng sáng cửa tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường kinh doanh thuận lợi với nền kinh tế tiếp tục phục hồi đã cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động có tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp… giúp lợi nhuận của đa số ngân hàng được dự báo tăng trưởng dương trong quý II/2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh.
Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của MBBank đạt 9,1%, nợ xấu giảm còn 1,23%. Ảnh: Minh Dũng
Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của MBBank đạt 9,1%, nợ xấu giảm còn 1,23%. Ảnh: Minh Dũng

Tín dụng ngân hàng tăng trưởng tích cực

Là ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động lưu chuyển tiền tệ của nền kinh tế, bối cảnh tăng trưởng kinh tế tốt hơn, sức khỏe doanh nghiệp hồi phục là cơ sở quan trọng để các ngân hàng giảm bớt rủi ro nợ xấu, giảm áp lực trích lập dự phòng cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng...

Sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm và dương trở lại trong tháng 3/2024, tín dụng của ngành ngân hàng đã cải thiện trong quý II/2024. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023, cao hơn đáng kể mức tăng trưởng 1,34% đến cuối quý I/2024. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện là cơ sở hỗ trợ cho triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong quý II/2024 cũng như cả năm 2024.

Việc NHNN ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng (đến 31/12/2024) được đánh giá không chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, mà còn tác động tích cực tới các ngân hàng khi có thời gian cân đối, cơ cấu các nhóm nợ, hạn chế phát sinh thêm nợ xấu khi quy mô nợ tái cơ cấu hiện khá lớn.

Trong quý II/2024, NHNN vẫn giữ ổn định lãi suất điều hành nhưng môi trường lãi suất huy động của các ngân hàng đã bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 4/2024. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chi phí vốn và biên lợi nhuận của các nhà băng nhưng được đánh giá không nhiều do mặt bằng lãi suất vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.

Mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh

Tại Hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 vừa tổ chức, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã công bố ước tính sơ bộ một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của MBBank đạt 9,1%, thuộc nhóm các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt, giảm mạnh xuống 1,23% từ mức 2,49% thời điểm cuối quý I/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 109%. Doanh thu đạt 22.479 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 13.168 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 12,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), lợi nhuận nửa đầu năm 2024 ước tính chạm đỉnh mới và hoàn thành vượt mức 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 (4.000 tỷ đồng). Trước đó, quý I/2024, Nam Á Bank lãi trước thuế gần 1.000 tỷ đồng, tăng 30,98% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 25% kế hoạch năm. Quý II/2024 được chờ đợi tiếp tục là quý kinh doanh khả quan.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III/2024 do Vụ Dự báo, Thống kê thuộc NHNN thực hiện, trong quý II/2024, đa số các TCTD đánh giá các nhân tố nội tại tiếp tục có cải thiện so với quý trước và dự kiến tiếp tục cải thiện trong năm 2024. Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của ngân hàng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo sẽ có sự phân hóa lớn. Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS), trong bối cảnh lãi suất huy động chịu nhiều áp lực tăng trở lại, nhóm ngân hàng tư nhân có lợi thế về CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và linh động trong huy động vốn sẽ có nhiều tiềm năng tối ưu hóa chi phí vốn, qua đó cải thiện được lợi nhuận. Một số ngân hàng có thể ghi nhận các khoản thu nhập bất thường của hợp đồng bancassurance, lợi nhuận từ việc bán các công ty con hay thu hồi các khoản nợ xấu đã xóa. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng tăng cao.

Trước đó, trong quý đầu năm 2024, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đạt hơn 72.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng mức độ tăng trưởng có sự phân hóa lớn. Với nhóm ngân hàng TMCP nhà nước và ngân hàng TMCP tư nhân quy mô lớn, trong khi lợi nhuận trước thuế của VPBank quý I/2024 tăng trưởng tới 64% so với cùng kỳ năm ngoái, Techcombank tăng trưởng 39% thì BIDV chỉ tăng trưởng 7%, VietinBank tăng trưởng 4%. Thậm chí, Vietcombank còn giảm 4%, ACB giảm 5%, MBBank giảm 11%…

Theo dự báo kết quả kinh doanh quý II/2024 của 13 ngân hàng, bao gồm Vietcombank, BIDV, MBBank, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, TPBank, VIB, MSB và OCB, do Trung tâm phân tích - Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) thực hiện, có tới 12 ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2024. Trong đó, VPBank được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất, tăng tới gần 60% so với cùng kỳ 2023; Techcombank tăng 31%; HDBank ước tính tăng từ 28% đến 31%; VietinBank tăng khoảng 15%... Chỉ có OCB, VIB được dự báo lợi nhuận giảm do chi phí tín dụng tăng.

Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận quý II/2024 của 10 trong 14 ngân hàng trong xu hướng tăng và cả 14 ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024. Riêng quý II/2024, trong khi LPBank, VPBank, Techcombank, HDBank… được MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023, kết quả tăng trưởng tín dụng tốt và sự phục hồi kết quả kinh doanh của một số mảng gặp khó khăn trong năm ngoái, thì lợi nhuận của một số ngân hàng như Sacombank, BIDV, OCB… dự báo sụt giảm do áp lực trích lập dự phòng rủi ro còn lớn, hay từ mức nền lợi nhuận cao cùng kỳ năm 2023.

Tin cùng chuyên mục