Số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Bức tranh chưa sáng
Nhìn vào bức tranh ngành CNHT Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại, ngành công nghiệp này vẫn còn non yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những nỗ lực của Chính phủ để phát triển lĩnh vực này những năm qua có vẻ chỉ như “ném đá ao bèo”.
Tại một diễn đàn diễn ra gần đây, ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, đến nay, cả nước mới có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chia làm 3 nhóm ngành sản xuất: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. Con số này so với tổng số DN đang hoạt động trên cả nước thì DN CNHT chỉ chiếm 0,3%. “Con số này quá ít ỏi, đáng xấu hổ để một nước tiến lên công nghiệp hóa”, ông Tuất thẳng thắn.
Liên quan đến vấn đề này, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết thêm, mặc dù Việt Nam có một số ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao, song mới chỉ có 58 DN Việt Nam xuất khẩu linh kiện CNHT. CNHT cho ngành dệt may và da giầy còn yếu, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao rất hạn chế. Nguồn máy móc phục vụ cho phát triển công nghiệp vẫn chủ yếu là nhập khẩu từ thị trường bên ngoài như: Nhật Bản, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu…
Đáng buồn hơn, theo ông Atsusuke Kawada: “Nói tỷ lệ nội địa hóa là 32,1%, nhưng trong đó phần trăm mua từ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam là 45,1%, từ Việt Nam là 41,2% và còn lại là các nước khác. Nếu tính phần trăm mua từ các DN Việt Nam với tỷ lệ nội địa 32,1% thì thực chất tỷ lệ nội địa từ các DN Việt Nam chỉ không quá 13,2%”.
Tạo dựng niềm tin
Để thúc đẩy ngành CNHT trong nước phát triển bằng việc khuyến khích các nhà thầu/chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước trong công tác đấu thầu, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494/CT-TTg. Tuy nhiên, sau khoảng 6 năm triển khai, đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng Chỉ thị 494/CT-TTg chưa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà thầu, chủ đầu tư trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước. Lý giải vấn đề này, giới chuyên môn khẳng định có nguyên nhân từ ngành CNHT.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu chỉ ra: “Một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được có chất lượng chưa đạt bằng các sản phẩm cùng loại tương ứng do nước ngoài sản xuất nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình sử dụng tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt, vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chính vì thế mà ngành CNHT chưa tạo được niềm tin đối với nhà thầu/chủ đầu tư khi sử dụng hàng trong nước sản xuất được”. Nhiều nhà thầu cho rằng, chính sự non yếu của ngành CNHT là một trong những “rào cản” hạn chế sự lớn lên của các nhà thầu nội địa.
Vậy giải pháp nào giúp Việt Nam không còn loay hoay phát triển ngành CNHT? Vị đại diện JETRO cho rằng: “Hiện có nhiều DN tư nhân của Việt Nam đang rất chú tâm vào việc nâng cao độ tinh xảo và giá trị gia tăng cho các sản phẩm của công ty mình sản xuất. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tích cực đối với các công ty “thực sự muốn làm” của Việt Nam”.
Ông Hoàng Minh Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH 4P chia sẻ kinh nghiệm để được làm nhà cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam là phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật ISO, chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh, giao hàng đúng hẹn và hợp tác chân thành. “Các DN của ta thường mắc phải lỗi không giao hàng đúng hẹn, như công ty chúng tôi là đối tác của Canon, có khi mùng 1 Tết vẫn phải xuất hàng. Chúng ta là DN mới, không nên làm gì quá phức tạp, nên đi từ thấp tới cao, từng bước một”, ông Hoàng Minh Trí cho biết.
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng: “Các DN ngành CNHT cần phải biết “lấy lòng” nhà thầu/chủ đầu tư bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm máy móc, thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được. Làm được điều này thì nhà thầu/chủ đầu tư mới yên tâm để lựa chọn sản phẩm trong nước”.