Tăng lực cho công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Kể từ ngày 22/2/2016, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được ưu tiên vay vốn theo chính sách cho vay phát triển CNHT vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.
Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn thấp, chỉ đạt khoảng 10 đến 15%. Ảnh: Huyền Trang
Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn thấp, chỉ đạt khoảng 10 đến 15%. Ảnh: Huyền Trang

Đầu tư công nghiệp hỗ trợ được vay tối đa 70% giá trị đầu tư

Theo đó, tổ chức tín dụng - TCTD (bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thực hiện cho vay ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm được ưu tiên phát triển trong lĩnh vực dệt may; da - giày; điện tử; sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; và các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao được quy định cụ thể tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT.

Cụ thể, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khi vay vốn tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh tín dụng để đầu tư dự án sản xuất sản phẩm CNHT, ngoài chính sách ưu đãi cho vay thông thường còn được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư; và tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với NHNN, nợ xấu tại các TCTD hoặc tổ chức kinh tế khác. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về cơ chế chính sách, từ khá nhiều năm nay, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển CNHT với mục tiêu đặt ra là tăng khả năng chế tạo sản xuất trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt hạn chế nhập siêu.

“Trong những năm vừa qua, chúng ta đã nâng giá trị gia tăng sản xuất trong nước trong một số ngành công nghiệp. Ví dụ như dệt may, chúng ta nâng tỷ trọng giá trị sản xuất trong nước từ 10% - 20% trước đây lên khoảng 50% hiện nay. Ngành công nghiệp da - giày, tỷ trọng giá trị sản xuất trong nước đã được nâng từ 20% trước đây lên tới 65%”, ông Hoàng cho biết.

Đối với những ngành công nghiệp xi măng, xây dựng nhà máy nhiệt điện…, thiết bị, máy móc, dây truyền sản xuất trong nước hiện đã tăng khá nhiều. Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa đúng là còn thấp (nội địa hóa chỉ đạt khoảng 10% đến 15%), nhưng với sản xuất, lắp ráp xe chở khách, xe tải 5 tấn trở xuống hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, thậm chí đến 85%. “Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta từng bước phát triển được ngành CNHT”, người đứng đầu ngành công thương khẳng định. 

Phải phát triển doanh nghiệp tư nhân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng về phát triển CNHT: “Với những quốc gia có nền kinh tế phát triển, thu hút vốn FDI nhiều thì CNHT hết sức quan trọng. Vì chỉ khi có nền CNHT phát triển thì mới có thể hấp thu được công nghệ cũng như tạo tiền đề, cơ sở tăng thu hút vốn FDI, tạo ra giá trị gia tăng trong chính nội địa. Còn nếu không làm được điều này, dù có thu hút vốn FDI nhiều thì giá trị gia tăng cũng không đáng kể, thực chất chỉ là gia công, lắp ráp cho nước ngoài với đồng công rẻ mạt”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phát triển CNHT thực chất là phát triển khu vực DN tư nhân. “Nếu trong chính sách phát triển CNHT mà không đề cập mảng này thì chúng ta vẫn mãi loay hoay với việc chọn ngành nào, sản phẩm nào để hỗ trợ. Một khi DN tư nhân phát triển mạnh mẽ thì không chỉ tạo ra động lực lớn cho đất nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng quan trọng để cung ứng sản phẩm cho lĩnh vực công nghiệp chính, tức là tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất của DN FDI chứ thu hút FDI không chỉ đơn thuần là nhập nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, móc để gia công, lắp ráp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh và cho rằng, phát triển CNHT cần phải tạo ra cơ chế thuận lợi nhất, minh bạch nhất để mọi người dân có tiền không gửi vào ngân hàng mà mang tiền đó thành lập DN.

Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, muốn phát triển CNHT, thứ nhất, luật pháp phải minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện để mọi người dân khi đến cơ quan công quyền là được cấp phép thành lập DN, không bị “bẻ hành, bẻ tỏi”. Thứ hai là phải khuyến khích DN khởi nghiệp, hỗ trợ tối đa những người mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ ba là tạo mọi điều kiện để DN tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, vốn tín dụng ưu đãi một cách đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, minh bạch. Thứ tư là thực hiện chuyển giao công nghệ, bắt đầu bằng những công nghệ không quá phức tạp, đắt tiền. Thứ năm là phát triển thị trường không chỉ cung cấp cho DN trong nước lắp ráp mà phải tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của thế giới.

“Chúng tôi đã làm việc với nhiều DN FDI lớn và họ đồng ý sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam, đặc biệt là đồng ý mua lại sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất ra để lắp ráp ngay tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị phát triển CNHT, nhưng tiếc là thiện chí của DN FDI, cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì DN chưa tận dụng được cơ hội”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.

Tin cùng chuyên mục