Luật số 57/2024/QH15 bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Chuyển động tích cực
Từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, đã có một số dự án đầu tư theo phương thức này được ký kết hợp đồng như: Dự án thành phần 2 Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Nhiều dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư như Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình; Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội…
Luật số 57/2024/QH15 khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có hơn 40 dự án mới được triển khai, chuẩn bị đầu tư theo phương thức này. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ đồng vốn nhà nước. Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Các dự án hầu hết đều tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ cao tốc, có quy mô rất lớn, chủ yếu được thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên nên khi hoàn thành sẽ có tác động tích cực tới hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia, của vùng và của từng địa phương.
Khuyến khích đầu tư PPP trên tất cả các lĩnh vực
Tại thời điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, tổng nhu cầu đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương là 870.967 tỷ đồng. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã quyết nghị phân bổ tổng mức vốn ngân sách nhà nước năm 2025 là 790.727 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn bố trí so với nhu cầu đầu tư năm 2025 thiếu hụt hơn 80.000 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết không đầu tư dàn trải, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương. Trung ương chỉ đầu tư các dự án kết nối vùng, kết nối khu vực, kết nối quốc tế. Cùng với đó, Nghị quyết nêu rõ, cần tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư.
Trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có hơn 40 dự án mới được triển khai, chuẩn bị đầu tư theo phương thức này. Ảnh: Nhã Chi |
Nguồn vốn đầu tư công sẽ được bố trí tập trung cho các dự án lớn, đòi hỏi phải huy động thêm nhiều hơn nữa nguồn vốn tư nhân để đầu tư các dự án, lĩnh vực có quy mô nhỏ hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Luật số 57 với nhiều điểm sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước chuyển mới trong thu hút vốn tư nhân theo phương thức PPP.
Theo đó, để mở rộng không gian thu hút đầu tư PPP, Luật khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành, địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Luật số 57 cũng quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án. Làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này, gồm: dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước dành cho chi đầu tư phát triển.
Luật quy định tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này. Cụ thể, tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án. Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng. Việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước quy định tại điểm b khoản 12 Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.