Nhiều rủi ro khó tránh với nhà thầu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đơn giá, định mức quy định trong lĩnh vực xây dựng bất hợp lý; nợ đọng tăng cao; tình trạng nhà thầu triệt tiêu nhau, chủ đầu tư chiếm dụng vốn từ nhà thầu… là những nguyên nhân chính khiến các nhà thầu xây dựng Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có.
Hai vấn đề lớn mà nhà thầu xây dựng đang phải đối mặt là đơn giá định mức và tính pháp lý của hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang
Hai vấn đề lớn mà nhà thầu xây dựng đang phải đối mặt là đơn giá định mức và tính pháp lý của hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang

Tại cuộc họp của Ban chấp hành Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam mở rộng chiều ngày 2/6/2023 tại Đà Nẵng, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chỉ ra 2 vấn đề lớn mà nhà thầu xây dựng đang phải đối mặt, đó là đơn giá định mức và tính pháp lý của hợp đồng. Cụ thể, đơn giá xây dựng hiện nay rất bất hợp lý, đã quá lạc hậu, cần phải điều chỉnh để theo kịp và theo sát diễn biến thị trường. Ông Thanh ví dụ, đơn giá xây dựng trước đây là đối với xây gạch chỉ, nay yêu cầu các loại gạch: chỉ, gạch block, gạch tuynel…, nhưng trong các đơn giá Bộ Xây dựng ban hành lại không có đơn giá cụ thể theo từng loại, nên định mức đưa ra không chính xác.

“Chính phủ đang triển khai Dự án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đơn giá bán căn hộ sẽ phê duyệt theo cơ chế chung, nhưng suất đầu tư thì chỉ hơn 7 triệu/m2. Với mức giá này, sẽ không có nhiều nhà thầu tham gia vì cầm chắc làm là lỗ”, Chủ tịch Vinaconex nhận định. Nặng hơn, ông Thanh còn cho rằng, các gói thầu không xử lý thanh quyết toán được chẳng khác gì “thuốc độc” với sức khỏe doanh nghiệp. “Vinaconex đã trúng thầu và thi công hoàn thành một số gói thầu dự án cao tốc với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng chưa được thanh quyết toán. Tính theo đơn giá, định mức hiện nay, việc chậm trả sẽ dẫn đến nguy cơ lỗ rất nặng, 500-600 tỷ đồng. Dù vậy, Tổng công ty không thể dừng lại, vẫn phải tiếp tục ở các gói thầu khác, hy vọng ở phía trước sẽ có “thuốc giải”, ông Thanh chia sẻ.

Về tính pháp lý của hợp đồng, theo Chủ tịch Vinaconex, phần lớn các điều khoản ghi trong hợp đồng có lợi cho chủ đầu tư, dù là đầu tư tư nhân hay nhà nước. “Đối với chủ đầu tư là đại diện phần vốn nhà nước, họ muốn an toàn, còn đối với chủ đầu tư tư nhân, là vắt kiệt mồ hôi từ phía nhà thầu”, ông Thanh nói và phân tích: “Nhà thầu xây dựng lãi có 5%, nhưng thường bị nợ đọng đến 20-23%, nếu nợ kéo dài một vài năm thì mất lãi, thậm chí âm vốn. Chưa kể, nếu hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh thì chờ chưa biết đến bao giờ mới được thanh toán”. Chủ tịch Vinaconex đề nghị, cần có một mẫu hợp đồng chung, áp dụng thống nhất để giảm tình trạng nhà thầu luôn ở thế thua thiệt như hiện nay.

Ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cũng cho rằng, những điều khoản trong hợp đồng xây dựng luôn đặt nhà thầu ở “cửa dưới”. Chưa kể, đạo đức của chủ đầu tư cũng là một rủi ro rất khó lường cho nhà thầu. Nếu ký hợp đồng với chủ đầu tư tử tế thì công việc suôn sẻ, công trình xong thu được tiền về, nhưng nếu chủ đầu tư không tử tế thì nhà thầu rất dễ mất vốn, nợ đọng. Ông Thành phản ánh, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản, làm xong công trình, bán sản phẩm rồi nhưng không chịu trả nợ cho nhà thầu. Để tránh tình trạng trên, Chủ tịch Xây dựng Delta kiến nghị, trong Biên bản nghiệm thu nhà đưa vào sử dụng của đơn vị đại diện Bộ Xây dựng, nên bổ sung nội dung: “Nghiệm thu này dựa trên cơ sở tất cả các nghiệm thu của các bên liên quan”. Sau đó mới cho phép chủ đầu tư bán sản phẩm.

Chia sẻ với các nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty CP đầu tư xây dựng Newcotecon cho rằng, ở thời điểm này, để tránh việc mất vốn, không lấy được tiền, nợ đọng tăng cao, nhà thầu cần tỉnh táo ngay từ khi làm việc với các chủ đầu tư. Khi mời thầu, các chủ đầu tư tư nhân thường hay “vỗ vai” nhà thầu, hàm ý “tôi chỉ nhắm đến anh thôi” khiến cho nhà thầu nào cũng nghĩ mình có cơ hội thắng, sẵn sàng bỏ giá thấp để trúng và không quan tâm đến sức khỏe tài chính chủ đầu tư. Khi trúng thầu, ứng tiền ra thi công, nhưng rất dễ đối mặt với rủi ro là không được thanh toán. Kiểu “vỗ vai”, theo ông Dương, là một cái “bẫy” của chủ đầu tư, nhà thầu cần tỉnh táo nhận diện.

Để gỡ các nút thắt khó khăn cho nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang lấy ý kiến các doanh nghiệp để thống nhất quan điểm, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp chính đáng bảo vệ nhà thầu, tiến tới kiến nghị xây dựng Luật Hợp đồng. Về đơn giá định mức, ông Hiệp cho biết sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành các định mức còn thiếu, sửa đổi các định mức cũ, lạc hậu. Trong lúc chờ thay đổi chính sách, Hiệp hội khuyến nghị các nhà thầu không phá giá trong đấu thầu, không tham gia đấu thầu cạnh tranh gói thầu trái quy định pháp luật với bất cứ giá nào.

Tin cùng chuyên mục