Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
KTNN cho biết, một số đơn vị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sử dụng tài sản cố định không hiệu quả. Cụ thể, Tổng công ty Khoáng sản TKV có cụm máy tuyển đa trọng lực không sử dụng; cụm máy tuyển nổi - tuyển tách lưu huỳnh tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai - Vimico chưa sử dụng cho sản xuất, kinh doanh. Công ty Than Hòn Gai - TKV có dây chuyền sàng tuyển than bằng công nghệ huyền phù tự sinh chưa sử dụng từ tháng 7/2020. Công ty Chế biến than Quảng Ninh - TKV có 3 máy xúc lật hoạt động chỉ đạt 78% so với định mức kế hoạch, thiết bị sàng 350 T/giờ chỉ sử dụng đạt 37% so với định mức đề ra.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, Bưu điện tỉnh Bình Định thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sử dụng tài sản cố định không hiệu quả khi chưa sử dụng hết tầng 2 và tầng 4 của tòa nhà 1.010 m2. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có Dự án Cảng nội địa Lào Cai bắt đầu thực hiện từ quý I/2009 và phát sinh doanh thu từ năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2017 - 2021, hiệu quả Dự án bị giảm sút mạnh và hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục thua lỗ (năm 2017 lỗ 5,21 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 6,10 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 6,26 tỷ đồng)...
Kết quả kiểm toán KTNN cũng chỉ ra, không ít công trình hoàn thành nhiều năm nhưng chưa được các tập đoàn, tổng công ty nghiệm thu, quyết toán. Chẳng hạn như, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam thuộc VIMC chậm quyết toán đối với 3 tàu gồm: Tàu Lucky Star, Tàu Blue Star và Tàu Vosco Sunerine. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Dự án Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; dự án của Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án của Ban Quản lý dự án (QLDA) FMIS đã hoàn thành nhiều năm nhưng chưa nghiệm thu, quyết toán.
Bên cạnh đó, một số dự án của các tập đoàn, tổng công ty đang trong quá trình đầu tư dở dang nhưng bị dừng và giãn tiến độ. Chẳng hạn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) có Dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem, Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy, Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung và Dự án Cảng Vicem tại Đông Hồi với chi phí xây dựng dở dang đến ngày 31/12/2021 lần lượt là 773,95 tỷ đồng; 60,06 tỷ đồng; 45,75 tỷ đồng và 2,44 tỷ đồng. Các công trình này hiện đang bị dừng/giãn tiến độ đầu tư.
Câu chuyện đầu tư dở dang cũng xảy ra tại công trình xây dựng cơ sở hạ tầng di dời trạm BTS Vinaphone Hậu Lộc 2 và BTS Vinaphone Vĩnh Thành của VNPT Thanh Hóa thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
KTNN cho biết, kết quả kiểm toán năm 2022 cũng cho thấy một số công trình của Ban QLDA lưới điện TP.HCM, Ban QLDA lưới điện phân phối TP.HCM (các đơn vị thuộc EVN) bị chậm tiến độ. Tại TKV có Dự án Suối Lại chậm tiến độ so với yêu cầu phê duyệt ban đầu 2 năm 2 tháng; Dự án Vận chuyển xít ngược chậm 4 năm so với mục tiêu ban đầu; Dự án Vi Kẽm phải xem xét, phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành đầu tư từ quý III/2017 thành quý IV/2022. Còn tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có 3 dự án chậm tiến độ gồm: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Bưu điện trung tâm TP. Hải Phòng; Cải tạo, nâng cấp Bưu điện huyện Sóc Sơn, Bưu điện huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội; Xây dựng, cải tạo nhà khai thác Bưu điện huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Theo KTNN, nhiều dự án của các đơn vị thuộc TKV đang dừng thi công nhưng còn tồn đọng chi phí dở dang lớn. Tiêu biểu là Công ty Than Nam Mẫu - TKV có Dự án Nhà máy tuyển than Khe Thần còn tồn đọng 20,54 tỷ đồng; Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin có Dự án Cụm cảng và luồng tàu vào cụm Cảng Mông Dương - Khe Dây còn tồn đọng 1,72 tỷ đồng, Dự án Đầu tư xây dựng bến Tổng hợp - Cảng Cẩm Phả còn tồn đọng 1,37 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng có công trình dừng thi công và tồn đọng chi phí dở dang. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn có Dự án đầu tư hệ thống tin học, phần mềm còn tồn đọng 5,18 tỷ đồng, phát sinh năm 2011 và tạm dừng từ năm 2021; Dự án di dời, lắp đặt dây chuyền sợi COMAS còn tồn đọng 0,3 tỷ đồng đang làm thủ tục hủy đầu tư.