Nhiều vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư PPP

(BĐT) - Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, hiện nay, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất chưa được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước, số lượng dự án đã chọn được nhà đầu tư còn hạn chế. 
Trong tổng số 69 dự án PPP đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thì có 38 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển. Ảnh: Lê Tiên
Trong tổng số 69 dự án PPP đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thì có 38 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2017, cả nước chỉ có 103 dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tăng 31 dự án so với năm 2016, trong đó 58,5% dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và con số chỉ định nhà đầu tư ở các dự án án đầu tư có sử dụng đất là 50%.

Năm 2017 đấu thầu rộng rãi 18 dự án PPP

Theo Bộ KH&ĐT, sau gần 3 năm thi hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, số dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất đã lựa chọn được nhà đầu tư và đi vào vận hành còn hạn chế, hầu hết dự án đang trong giai đoạn công bố danh mục dự án hoặc tổ chức lập hồ sơ mời sơ tuyển, một số ít các dự án lựa chọn được nhà đầu tư.

Đối với các dự án PPP thuộc các bộ, ngành, phần lớn thực hiện theo loại hợp đồng BOT (thu phí trực tiếp từ người sử dụng); tại các địa phương phổ biến là dự án BT (thanh toán bằng quỹ đất). Các dự án theo loại hợp đồng mới như BTL, BLT (Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ) hoặc O&M vẫn chưa được quan tâm triển khai. Năm 2017, có 53 dự án PPP đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có 18 dự án đấu thầu rộng rãi, chiếm 33,96% (năm 2016 có 23 dự án, chiếm 56,1%); 31 dự án chỉ định thầu, chiếm 58,5% (năm 2016 có 16 dự án, chiếm 43,9%); 4 dự án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (chiếm 7,54%).

Trong năm 2017, có 50 dự án đầu tư có sử dụng đất đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có 25 dự án đấu thầu rộng rãi (chiếm 50%), tăng 1,67 lần so với năm 2016 (16 dự án, chiếm 51,6%). 

Cần tinh giản quy trình chọn nhà đầu tư

Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, việc lựa chọn nhà đầu tư hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2017, chỉ có 15/63 tỉnh, thành phố thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cho 53 dự án PPP, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thái Nguyên và Sơn La; còn ở cấp bộ chỉ có Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều dự án PPP. Quyết tâm thực hiện dự án PPP mới chỉ dừng ở quan điểm, định hướng, thực tế rất ít dự án PPP được đề xuất. Hơn nữa, việc đề xuất dự án của các đơn vị chỉ mang tính hình thức, các dự án được đề xuất hầu hết là dự án chưa được nghiên cứu hoặc tính khả thi không cao, khiến các nhà đầu tư e dè, nghi ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng chưa được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Năm 2017, có 50 dự án đầu tư có sử dụng đất được thực hiện tại 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung tại các địa phương có thị trường bất động sản phát triển như TP.HCM, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Kết quả thống kê của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, hơn 50% các dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Nhiều dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất dù tổ chức sơ tuyển rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm và phải áp dụng chỉ định thầu. Cụ thể, trong tổng số 69 dự án PPP đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thì có 38 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển; trong tổng số 47 dự án đầu tư có sử dụng đất thì có 26 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển.

Bộ KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân khiến cho việc lựa chọn nhà đầu tư gặp khó khăn, thách thức là do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa chính sách của một số ngành, lĩnh vực với pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Chẳng hạn như việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện chịu sự điều chỉnh của nhiều luật trong quá trình thực hiện; một số quy định tại Nghị định 30/NĐ-CP chưa tạo thuận lợi trong triển khai lựa chọn nhà đầu tư; chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa, dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

Mặt khác, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, quy trình lựa chọn nhà đầu tư hiện vẫn còn phải trải qua nhiều bước, cần được nghiên cứu theo hướng tinh giản hơn.