Nhiều ý kiến trái chiều về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh trò chơi điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online), Bộ Tài chính cần làm rõ việc Nhà nước có cần thiết phải can thiệp hoạt động kinh doanh này bằng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hay không; bằng chứng khoa học và thực tế nào cho thấy có nguy hại đối với người chơi. Nếu đánh thuế mang lại lợi ích quá nhỏ, không làm giảm được tác hại của game đối với người chơi thì không nên áp dụng, mà thay bằng công cụ quản lý hành chính khác.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Đó là những khuyến nghị của ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi góp ý về Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính xây dựng và tổ chức lấy ý kiến.

Một trong những nội dung được Dự thảo Luật điều chỉnh là bổ sung thuế suất TTĐB 35% đối với hoạt động kinh doanh game online. Theo đại diện Bộ Tài chính, đây là loại hình kinh doanh có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng kinh doanh này là nhằm hạn chế tiêu dùng đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe con người (trong đó có giới trẻ); góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia và hiệp hội, doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh game online tại Hội thảo góp ý về Dự án Luật Thuế TTĐT (sửa đổi) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/3/2023.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, trong nước hiện chỉ có khoảng hơn 20% là game hợp pháp, còn lại 78% là trôi nổi trên các ứng dụng (app store). Trong 10 tựa game có số lượng người chơi lớn nhất, hơn một nửa là của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Game là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo ông Cường, muốn phát triển game hợp pháp tại Việt Nam, DN phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, giấy phép và có nghĩa vụ nộp thuế. Trong khi đó, Nhà nước hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào. Nếu phải đóng thêm thuế TTĐB, thì DN trong nước vốn đã thua thiệt, nay lại càng thiệt thòi hơn, không thể cạnh tranh với DN nước ngoài.

Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, Việt Nam được nhận định là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu game mạnh nhất thế giới. Hiện chưa có nước nào đánh thuế TTĐB đối với hoạt động game online, thậm chí nhiều quốc gia còn có chính sách khuyến khích phát triển với những ưu đãi về thuế (như Singapore, Trung Quốc…)…

“Chưa rõ lợi ích của việc đánh thuế TTĐB đối với game online thế nào, nhưng nếu đánh thuế trên doanh thu quảng cáo của game thì sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Về mặt tư duy, điều chỉnh hành vi không chỉ nhìn vào game, mà nhìn vào màn hình và nội dung mới ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nghiện”, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN lo ngại.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phan Đức Hiếu đánh giá, 2 mục tiêu mà Ban Soạn thảo đề ra là khó đạt được. Hiện có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc thu được thuế đối với hoạt động này là không dễ, khi nhà cung cấp dịch vụ nằm ngoài biên giới. Như vậy, đối tượng chịu tác động chủ yếu là DN và người chơi ở trong nước. Đối với DN, lợi ích mang lại từ việc thu thuế là quá nhỏ so với tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Một khi game trong nước bị áp thuế thì người chơi sẽ chọn game của nhà cung cấp ở nước khác với giá rẻ hơn, khiến doanh thu và lợi nhuận của DN trong nước sụt giảm, chi phí đội lên khiến DN không muốn khởi nghiệp, đầu tư phát triển, hoặc tìm cách chuyển hướng ra nước ngoài thành lập DN, khi đó Nhà nước sẽ thất thu.

Đối với người chơi, việc áp thuế TTĐB chưa chắc đã làm giảm được sự độc hại của game, nghiện game. “Mặt khác, nếu không mua được của nhà sản xuất trong nước thì người chơi có thể chọn cách tiêu dùng khác như mua game của nhà cung cấp ở nước khác. Không những mục tiêu giảm tác hại không đạt được, mà còn làm hạn chế DN khởi nghiệp, gia nhập vào thị trường kinh doanh đầy tiềm năng này”, ông Hiếu phân tích.

Cho rằng không phải tất cả game đều nguy hại, ông Phan Đức Hiếu gợi ý, Nhà nước có thể điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng bằng cách kiểm soát nội dung, hạn chế nội dung game xấu - độc, khuyến khích phát triển game tốt, phục vụ cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, thay vì áp thuế TTĐB.

Đồng thuận quan điểm của ông Hiếu, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mục tiêu để hạn chế gây nghiện game là cần thiết, nhưng có nhiều cách thức hiệu quả hơn, rẻ hơn biện pháp đánh thuế TTĐB làm tăng chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ game. Chẳng hạn như, cơ quan quản lý nhà nước cấm công chức chơi game trong giờ làm việc, ban hành các bộ quy tắc hướng dẫn giáo dục trong gia đình và nhà trường…

“Cần có báo cáo đánh giá đầy đủ hơn về bức tranh của ngành này, từ doanh thu, cơ cấu… và câu chuyện lợi ích, chi phí tuân thủ, tính khả thi và rủi ro thực thi, thì khi đó mới nên đưa ra quyết định việc áp thuế TTĐB hay không? ”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Tin cùng chuyên mục