Nhiều yếu tố làm tăng áp lực thu ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2020 nhưng triển vọng thu ngân sách trong những tháng còn lại vẫn còn nhiều thách thức. Các giải pháp đốc thu là cần thiết, song cũng cần cân nhắc hiệu quả thực thi. Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ, tạo nguồn lực để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Bên cạnh việc giãn nộp thuế, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó tạo sức tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Bên cạnh việc giãn nộp thuế, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó tạo sức tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Chi gần 3 nghìn tỷ đồng phòng, chống Covid-19

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa 4 tháng ước đạt 456,3 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong tổng số thu nội địa, có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu tiến độ thu đạt khá so với dự toán (trên 35%). Đó là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,9% dự toán, tăng 3,4%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,8% dự toán, tăng 9,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 46,1% dự toán, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 124,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 4 tháng đạt 463,7 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% dự toán. Ngân sách trung ương đã chi từ dự toán chi dự phòng gần 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động từ việc gia hạn nộp thuế từ tháng 4/2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Để có các giải pháp điều hành thu NSNN kịp thời, hiệu quả, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị chức năng cần đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đến số thu NSNN các tháng và việc dịch chuyển số thu này đến các tháng cuối năm.

Đồng thời, tiếp tục phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực hiện dự toán thu 4 tháng 2021, trên cơ sở phân tích tình hình sức khỏe doanh nghiệp, việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản thu, sắc thuế thu đột biến trong 4 tháng đầu năm.

Về công tác quản lý nợ thuế, ông Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục Thuế địa phương quyết liệt thu nợ của những đơn vị có số nợ lớn, thường xuyên nợ NSNN. Thực hiện giao nhiệm vụ thu nợ đọng thuế đến các phòng, chi cục thuế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, rõ ràng NSNN đang đối mặt với thách thức lớn do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chính sách gia hạn nộp thuế trong khi phải tăng chi để hỗ trợ chống dịch. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp đốc thu là rất cần thiết, đặc biệt là chống gian lận trong thực thi chính sách thuế.

Theo ông Long, điều dễ nhận thấy là ngành thuế đang đẩy mạnh tăng thu từ các hoạt động kinh doanh vốn chưa được soi xét kỹ về tính tuân thủ pháp luật thuế trong thời gian qua, đơn cử là thí điểm thu thuế với người cho thuê nhà ở TP.HCM và “truy vết” các cá nhân bán hàng trên mạng để thu thuế.

Đây là việc cần phải làm, song cũng cần phải tính toán, cân nhắc giữa số tiền thu được với chi phí thực hiện và tính “khoan thư” sức dân trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc giãn nộp thuế cho doanh nghiệp, cần tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó tạo sức tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Từ góc độ cơ quan quản lý NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung bảo đảm cân đối ngân sách, tăng chi cho đầu tư, bảo đảm chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, bảo đảm nguồn cho các dự án đầu tư trọng điểm, có tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng. Về thu ngân sách, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như dịch vụ điện tử, Facebook, Google, Grab..., thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu điện tử để chống mua bán hóa đơn, bỏ lọt nguồn thu, hoàn thuế không đúng...

“Bộ Tài chính sẽ tập trung tăng cường hoàn thiện luật pháp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục