Thu ngân sách cần tính toán nuôi dưỡng nguồn thu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến cuối tháng 11 đạt hơn 83% dự toán được coi là kết quả tích cực. Việc tăng cường kỷ luật để thu đúng, thu đủ chính sách thuế là cần thiết, song cách thức thực thi cũng cần cân nhắc để bảo đảm tinh thần “khoan thư” sức dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sau 11 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Sau 11 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11 ước đạt 108,94 nghìn tỷ đồng. Như vậy, sau 11 tháng năm 2020, tổng thu NSNN ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hết sức chật vật, kết quả thu ngân sách như trên là khá tích cực và ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường; bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đời sống nhân dân cả nước nói chung.

Mục tiêu từ đầu năm là tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 6,8%, từ đó, thu ngân sách dự kiến tăng cao. Tuy nhiên, Chính phủ đã đánh giá lại mức tăng trưởng năm nay chỉ khoảng 2,5 - 3%, cùng với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng cường phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh nên thu NSNN gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thì kết quả hoạt động tài chính - ngân sách sẽ khả quan hơn. Cơ quan này đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác thu, chống thất thu để phấn đấu thu NSNN cả năm đạt mức cao nhất.

Bộ Tài chính cũng đang rà soát các khoản thu lớn từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại nhà nước; thu chênh lệch bán trái phiếu chính phủ; thu bán vốn; các khoản thu phí, lệ phí; một số khoản thu theo kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán… Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống gian lận trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xử lý nợ đọng thuế; quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, hiệu quả.

Theo đánh giá của TS. Lê Hoài Nam, chuyên gia nghiên cứu độc lập, với độ mở lớn, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, bao gồm cả việc thu NSNN.

Ông Nam cho rằng, cần thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với thu thuế, phí và lệ phí. Tuy nhiên, cần cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán vốn nhà nước, Để giảm áp lực cân đối ngân sách, có thể chấp nhận tăng bội chi NSNN và tăng nợ công trong ngắn hạn.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nhiệm vụ thu NSNN cả năm nay nhiều khả năng không đạt dự toán, nhưng vẫn có thể ghi nhận những con số khả quan trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, càng trong giai đoạn khó khăn, việc thực hiện các chính sách thuế càng phải thể hiện tinh thần khoan thư sức dân.

“Chống thất thu thuế là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện thu thuế cũng phải mềm mỏng, các chính sách mới cần được trao đổi, chia sẻ với người nộp thuế một cách thỏa đáng, hợp lý, hợp tình trước khi triển khai. Chẳng hạn, chủ trương tính thuế giá trị gia tăng với dịch vụ vận chuyển Grab hoặc chính sách thu thuế cổ tức là đúng nhưng thời điểm và cách thức đi vào cuộc sống chưa thực sự hợp lý, gây nhiều tranh cãi”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, ngành tài chính cần chú trọng tinh thần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu thuế. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí phải theo nguyên tắc thị trường, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm huy động các nguồn lực cho NSNN, đồng thời góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển.

Tin cùng chuyên mục