Nhìn lại kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 19/8, tại Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra buổi làm việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và dự kiến nhiệm vụ, kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Bộ Y tế.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Tiên
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Tiên

Buổi làm việc dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Theo Báo cáo, về tình hình thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm về số giường bệnh trên vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tuổi thọ bình quân tăng; Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, Bộ Y tế đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Luật Dược 2016, Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019; Hệ thống tổ chức, bộ máy ngành y tế tiếp tục được củng cố và hoàn thiện theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu quả; Kiểm soát, ngăn chặn và khống chế thành công các bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt, ngành y tế đã có được sự ghi nhận với thành công trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Covid-19; Mạng lưới y tế cơ sở, khám chữa bệnh được củng cố, phát triển rộng khắp; Làm chủ được ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị; Việc sản xuất, cung ứng dược phẩm được đảm bảo, cơ chế tài chính, BHYT từng bước được đổi mới, năng lực chuyên môn, đạo đức, thái độ phục vụ được chú trọng, nâng cao.

Về tình hình thực hiện kế hoạch theo đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, theo Báo cáo, vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Bộ Y tế là 29.576 tỷ đồng, đến nay đã giao cho các dự án 27.433,53 tỷ đồng, đạt 92,8%, còn lại 2.151,97 tỷ đồng chưa được giao. Trong số 70 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có 10 dự án chuyển tiếp từ trước năm 2016 sang kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và 60 dự án khởi công mới trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020.

Về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trên cơ sở vốn quản lý 52.805,656 tỷ đồng, ngành y tế tập trung vào các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ mục tiêu về y tế, bao gồm y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu, phục hồi chức năng; y học cổ truyền; giám định y khoa, pháp y, tâm thần; kiểm định, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm...

Quan điểm Bộ Y tế cho rằng, tập trung ưu tiên cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, các bệnh viện khó khăn, không có nguồn thu như lao, phong, tâm thần... Các bệnh viện có nguồn thu lớn, có khả năng xã hội hóa cao phải huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư là chủ yếu.

Tại Báo cáo, đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, Bộ Y tế đề xuất một số kiến nghị, theo đó đề nghị Bộ KH&ĐT thống nhất để Bộ Y tế điều chuyển vốn của các dự án không giải ngân hết cho một số dự án đã được bố trí đủ vốn trung hạn nhưng do năm 2017, 2018 chưa giải ngân hết bị thu hồi như Dự án Viện Pháp y tâm thần (40,3 tỷ đồng), Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (71,4 tỷ đồng)...; đề nghị Bộ KH&ĐT có ý kiến để các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án. Đồng thời ủng hộ để Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số dự án song song với việc giải phóng mặt bằng...

Bộ Y tế cũng đề xuất Bộ KH&ĐT có văn bản hướng dẫn các địa phương liên quan tới: Tăng đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho y tế; Bố trí kế hoạch trung hạn, vốn đối ứng để triển khai 2 dự án về y tế cơ sở;...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò, nỗ lực, cố gắng của Bộ Y tế. Đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT sẵn sàng cùng Bộ Y tế tham gia tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn ODA; các vấn đề xã hội hóa; đối tác công tư; giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án,... hướng tới giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý huy động xã hội hóa kết hợp vốn nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vai trò của ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục