Những công trình sáng tạo và trường tồn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án, công trình được hoàn thành năm 2023 mang tới không ít bất ngờ về tư duy sáng tạo, độc đáo của giới kiến trúc trên trường quốc tế. Đáng chú ý là nỗ lực gìn giữ và cải thiện các yếu tố hiện hữu, từ đó bổ sung và phát triển yếu tố mới, thay vì đơn giản là đập bỏ và xây dựng từ đầu.

Quay Quarter Tower

Từng là tòa nhà cao nhất Sydney (Úc), AMP Center đã trở nên lỗi thời với cấu trúc từ những năm 1970. Chủ sở hữu muốn thay thế tòa nhà bằng một công trình hiện đại, tiết kiệm năng lượng hơn.

Tuy nhiên, việc phá dỡ các tòa nhà cao tầng ảnh hưởng nhiều tới môi trường, từ chất thải xây dựng đến khí CO2 do máy móc hạng nặng thải ra. Vì vậy, năm 2014, Công ty Australia AMP Capital tổ chức một cuộc thi kiến trúc với yêu cầu độc đáo: Xây một tòa nhà chọc trời mới mà không phá hủy tòa cũ.

Kết quả, tòa nhà mới mang tên Quay Quarter Tower với độ cao hơn 200 m ra đời và được coi là tòa nhà cao tầng “tái chế nâng cấp” (upcycle) đầu tiên trên thế giới. Tháp có 49 tầng, giữ lại hơn 2/3 cấu trúc cũ, bao gồm dầm và cột, cũng như 95% lõi của tòa nhà ban đầu.

Công trình thiết kế theo hình 5 khối vuông xếp chồng lên nhau và hướng lên trời, được xây đè chứ không phá dỡ phần nhà cũ. Đây là dự án đầy thách thức, được tiến hành từ năm 2018 và áp dụng công nghệ hiện đại để hoàn thành.

Ví dụ, việc xác định liệu những thông số thiết kế cho Quay Quarter có khớp với thông số của tòa AMP Centre hay không là một vấn đề nan giải. Các kỹ sư đã lắp đặt hàng trăm thiết bị cảm biến xung quanh tòa nhà để theo dõi những chuyển động nhỏ nhất.

Sau đó, các kết quả sẽ được đưa vào “digital twins” - một công nghệ thực tế ảo để mô hình hóa và xây dựng hình ảnh tòa tháp dưới dạng 3D. Mọi thay đổi thông số của tòa nhà được theo dõi sát sao để bảo đảm cấu trúc mới và phần thô cũ không bị chênh lệch.

Cầu Cody Dock Rolling

Cầu Cody Dock Rolling có thể xem là thiết kế cầu quay sáng tạo nhất mà thế giới từng chứng kiến. Đây là cây cầu dành cho người đi bộ nổi bật ở phía Đông London do nhà thiết kế người Anh Thomas Randall-Page thiết kế.

Được làm từ thép và gỗ sồi phong hóa, cây cầu có khả năng sử dụng đòn bẩy thủ công để “lăn” qua một bên cho tàu, thuyền đi qua. Cây cầu lăn này là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm khôi phục lại bến tàu thời Victoria cũ trên sông Lea để người đi bộ sử dụng.

Một loạt dây cáp được quấn quanh các cạnh cầu và được gắn vào tời ở hai bên, cho phép nó di chuyển 180 độ. Đối với Randall-Page, điều quan trọng là cây cầu có thể được điều khiển thủ công bởi một số lý do, bao gồm việc bảo đảm cây cầu không cần nguồn điện để chạy và nó có thể được sửa chữa dễ dàng. Người vận hành cầu có thể xác định bất kỳ vấn đề nào với cây cầu mà không cần dựa vào “các cảm biến hoặc bộ ngắt phức tạp”.

Theo đó, dù mang tính chất hiện đại, nhưng cây cầu vẫn là “kỷ vật” mang dấu ấn cổ điển, gắn với nỗi niềm hoài cổ khi đây là hiện thân của cuộc sống quê nhà đối với Thomas Randall-Page.

The Sphere

Sphere là nhà hát hình cầu khổng lồ tại Las Vegas (Mỹ), thuộc sở hữu của Công ty Madison Square Garden (MSG) ở New York. Đây cũng là công trình hình cầu lớn nhất thế giới có chiều cao hơn 110 m và được trang bị hệ thống màn hình LED với diện tích lên tới 54.000 m2.

Sphere sử dụng màn hình LED để trình chiếu hình ảnh và video theo cách sáng tạo nhất. Nhà hát có khả năng tái hiện các vật thể hình cầu như đôi mắt, mặt trăng, trái đất và có sức chứa lên đến 20.000 người, bao gồm 17.600 chỗ ngồi và hơn 2.400 chỗ đứng.

Công trình này đạt kỷ lục là tòa nhà hình cầu lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.

Domino Sugar Refinery

Từng là nhà máy sản xuất đường cũ, tòa nhà Domino Sugar Refinery được lột xác trở thành văn phòng hạng sang tại thành phố New York. Theo đó, Domino Sugar Refinery được hợp nhất giữa toà nhà mới nằm trong lòng toà nhà cũ. Toàn bộ mặt tiền với gạch lát từ năm 1884 được giữ lại, kết hợp với cửa kính và toàn bộ phần mái vòm kính trong suốt.

Công trình được bắt tay cải tạo và xây dựng từ năm 2018 và mất quãng thời gian khá dài để hoàn thiện, bởi các công đoạn không hề dễ dàng.