Những “đại thụ” thư pháp viết Xuân hồng trên giấy

(BĐT) - Lẩn khuất trong sắc hồng của những cánh hoa đào e ấp, vẫn thấy nét chữ óng ả, đen nhánh từ bàn tay của các cụ già tuổi xưa nay hiếm. Bâng khuâng, khi hồn dân tộc vẫn đậm đà trong tập tục văn hóa đẹp.
Thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn là nghệ thuật độc đáo thể hiện những triết lý phương Đông sâu sắc. Ảnh: Lê Tiên
Thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn là nghệ thuật độc đáo thể hiện những triết lý phương Đông sâu sắc. Ảnh: Lê Tiên

Bàn tay tài hoa

Mưa Xuân lất phất chạm trên giàn hoa ngâu ngoài ban công căn nhà nằm cuối ngõ nhỏ trên phố Tràng Tiền sầm uất. Trong không gian tĩnh lặng, ăm ắp những cuốn sách cũ sờn gáy, cụ Bách (Lỗ công Nguyễn Văn Bách), một người đã trải qua 94 năm thăng trầm cuộc đời, đang tự tại an nhiên, nhẹ nhàng đưa nét bút uyển chuyển trên khuôn giấy dó…

Với hiệu Lỗ công, tức là người Đần, dù khiêm tốn tự cho mình là người kém hiểu biết, nhưng bằng vốn kiến thức uyên thâm của mình, cụ Bách vẫn luôn khiến cho nhiều người nể phục. Là một trong các dịch giả đã tham gia cùng với nhiều nhà xuất bản dịch các tác phẩm chữ Hán của danh nhân Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…, bằng sự tài hoa và nhiệt tâm, cụ Bách đã ghi lại dấu ấn ở khắp miền đất nước. Đặc biệt, nhiều di tích quan trọng, từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, tới cổng thành Hà Nội thờ Tổng đốc Hoàng Diệu, rồi đến đền Cổ Loa, Lệ Mật,… đều vương vấn nét bút của cụ.

Là bậc Đại thư pháp trong “Tứ trụ thư pháp” nổi tiếng (gồm Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược), cụ Bách khái tính và cẩn trọng khi tiếp khách. Để bước qua được tấm biển giản dị bằng gỗ kẻ dòng chữ Nguyễn Văn Bách, treo trước cửa căn nhà vôi bong tróc, thường phải là một người yêu chữ, người biết trân quý sự học.

Cụ Bách thường dậy lớp hậu sinh, thư pháp không chỉ là thú vui tao nhã, mà còn là nghệ thuật độc đáo thể hiện những triết lý phương Đông sâu sắc, là nơi có thể gửi gắm nỗi niềm, tâm tình của con người.

Trên phiến giấy, nét bút của cụ Bách nhẹ nhàng mà biến hóa, phóng khoáng, nhưng vẫn giữ nguyên được những quy tắc truyền thống với những nét chấm, phẩy, ngang… Có dịp Xuân, cụ tặng một Việt kiều tại Hoa Kỳ đến xin chữ đôi câu đối: “Bắc Hải tuy xa phù khí tiếp/ Hồng sào mâu kết thục chi an”. Với câu đối này, cụ mong muốn bà con Việt kiều dẫu có định cư, học hành tại các nước phát triển thì con chim Hồng vẫn làm tổ ở cành Nam.

 Người thứ hai trong “Tứ trụ thư pháp” nổi tiếng thường được mọi người nhắc tới là Tiến sỹ Hán Nôm, Nam ba cầm văn Cung Khắc Lược. Như làn gió phiêu du khắp chốn, tuổi trẻ lăn lội khắp vùng cao phía Bắc, đến mức thông thạo từng mảnh ván nhà sàn, các thổ ngữ Tày, Nùng, Dao…, bước chân cụ Lược vẫn chưa một ngày thôi miệt mài muôn phương. Vài năm trước, mỗi khi Xuân về, trong vạt áo gấm thâm chùng, cụ vẫn nép mình bên những ô gạch cổ kính của Văn Miếu “hầu” người xin chữ. Nhưng có lẽ đến lúc do không chấp chứa được sự tấp nập của phố xá nên 2 năm gần đây, cụ Lược đã tìm cho mình một sự thanh tịnh đến im ắng. Hiện, chỉ vài người thân quý mới biết nơi ẩn dật của cụ.

Nghệ thuật thư pháp với việc sử dụng bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực được cụ Lược trân trọng là “Văn phòng tứ bảo”, thể hiện qua mấy chục năm miệt mài viết và cho chữ. Cụ đã góp một phần đưa môn nghệ thuật cao quý lên tầm cao mới, không chỉ mang tính phô diễn, mà còn thể hiện khí phách của con người.

Nhìn cụ khom lưng phóng bút, mái tóc dài trắng bồng bềnh, người thưởng ngoạn như tôi như lạc vào chốn tiên cảnh và cảm nhận được một sức sống kỳ diệu. Chữ của cụ thiên theo hướng dị thể, cá tính; ngọn bút xuất phát từ cảm hứng đến cao độ đường nét không theo chuẩn mực, mà như cánh chim vượt qua những dãy núi ngàn, tự do, phóng túng.

Người thứ ba trong “Tứ trụ thư pháp” là Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện. Cụ Nguyện giờ không tiếp người xin chữ. Biết cụ đã 85 tuổi và nhiều bệnh, nhưng tôi vẫn cứ thử tìm đến theo chữ duyên. May mắn, sau vài tiếng gõ cửa xin gặp, khi biết khách là người yêu chữ, cụ vui vẻ pha ấm trà ngon tiếp đãi và tận tình chỉ rõ nội dung từng bức thư pháp treo khắp hai tầng nhà. Nuối tiếc khi nhiều người chưa hiểu nhiều về thư pháp và Hán Nôm, cụ nhắc nhở tôi việc học chưa bao giờ là muộn.

Ngắm nhìn, suy ngẫm để hiểu nội dung những tác phẩm cụ Nguyện sáng tạo, tôi như thấy tâm mình bình an hơn, thấy cái chân - thiện - mỹ tưởng gần mà lại rất xa ở chốn nhân gian. Có nét chữ nhẹ nhàng như gió thoảng, hiền từ mà thoát tục; có nét mạnh mẽ, kiên cường như để trấn tà, xóa tan ngay cái ác khi chưa kịp khởi sinh trong tâm.

Xuất thân vốn là một nhà giáo, cụ Nguyện trăn trở tục xin chữ đầu Xuân nên cố gắng gìn giữ sao cho lâu dài, đừng để mai một. Đó là tâm nguyện của người đã hơn chục năm gắng sức truyền tải cái hay, cái đẹp về ngôn ngữ, về chữ viết cho hàng trăm thế hệ sinh viên. 

Bí quyết trường thọ

Xuân Mậu Tuất, 3 đại lão nhân còn lại trong “Tứ trụ Thư pháp” lừng danh thêm một tuổi mới với đất trời. Bí ẩn tạo nên sự trường thọ của các cụ, được khai mở theo một triết lý phương Đông đa chiều, sâu xa.

Từng khảo cứu và dịch rất nhiều sách quý về thuốc bằng chữ Hán (trong đó cuốn “Những bài thuốc Nam hay” tái bản hàng chục lần), là một trong những thành viên tham gia sáng lập Viện Đông y từ cuối năm 1950, nên cụ Nguyễn Văn Bách rất hiểu về y thuật, dưỡng sinh. Cụ lý giải nhiều lợi ích khi tập trung tinh thần để viết chữ. Theo cụ, nhà thư pháp khi phóng bút tâm phải tĩnh, sao cho vừa hướng đến cái “tâm không”,  vừa ở trạng trái “tỉnh thức” để thăng hoa sáng tạo. Trong trạng thái tâm thức hòa hợp với kỹ năng đã khổ luyện nhiều năm sẽ giúp nhà thư pháp thăng hoa. Động tác pha mực, chấm bút… sẽ làm cho khí huyết toàn thân được khơi thông, công năng các bộ phận trong cơ thể được điều hòa, tâm khí cân bằng, từ đó, cũng giúp tinh thần khoan khoái, như việc điều tâm luyện khí công.

Các cụ coi thư pháp không chỉ là bộ môn nghệ thuật thuần túy, mà nó như phương pháp tu tập thiền định. Thư pháp với sự giao lưu tinh thần giữa người xin chữ với người cho chữ và những ý nghĩa sâu sắc của nội dung chữ, có tác dụng giúp người ta khai thông khí uất; buông bỏ, giải trừ chấp trước, bon chen, giúp con người tự tìm đến bến Giác Ngộ.

Các cụ cũng coi trọng khoảng thời gian cực thịnh của mùa Xuân với sự giao hoa linh khí đất trời, thời điểm thuận lợi nhất để vạn vật sinh trưởng, để thư thái viết, hòa mình vào sự vui tươi của muôn sắc hoa, dung dưỡng tâm hồn, tạo cho thể xác thêm khang kiện. Những điều này cùng với tinh thần lạc quan, giản dị, cuộc sống thanh bạch của các cụ chính là bí quyết giúp các cụ sống trường thọ.

Với cây bút lông, thỏi mực và phiến giấy, ba “cụ đồ” và nhiều người đam mê thư pháp khác đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao, với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học. Các cụ chính là biểu tượng về ý thức giữ gìn và tôn vinh một tập tục văn hóa đẹp của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục