Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km, đi qua địa bàn TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương phía Nam đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương. Hiện tại, ngoài việc khẩn trương triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, các đơn vị đang gấp rút thi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện 3 tuyến dài 126 km gồm: cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc được đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam Bộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, nên việc đầu tư các dự án giao thông lớn nối vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung sẽ tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, tuyến đường bộ ven biển được đầu tư kết hợp với các tuyến cao tốc như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực phía Nam. Khi những cung đường mới xuất hiện, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện kết nối với đô thị hạt nhân TP.HCM, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo lực đẩy để kinh tế phía Nam cất cánh.
Tại các phiên họp định kỳ hàng tháng của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung cấp vật liệu xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông lớn đi qua các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực. Việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ cát, thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường và giao chỉ tiêu khối lượng cung ứng cát cho các địa phương đã phần nào “giải cơn khát” vật liệu san lấp, đắp nền.
Bộ GTVT cho biết, sau nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hiện các địa phương phía Nam đang tích cực phối hợp để điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các tỉnh có mỏ đá khẩn trương quyết định theo thẩm quyền việc cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ đá phục vụ các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai thủ tục để cung cấp cho các dự án; chủ đầu tư, nhiều nhà thầu dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đã chủ động làm việc với các địa phương có mỏ đá để đưa vật liệu về công trường.
Đối với việc khai thác cát biển, các nhà thầu thi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã khai thác cát tại mỏ khu vực Sóc Trăng để đưa về công trình. Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương một số nội dung liên quan đến việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường, đủ điều kiện để các địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, hiện việc triển khai các thủ tục cung ứng vật liệu cát đắp tại một số địa phương chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, tỉnh An Giang chưa hoàn thành thủ tục điều phối, tỉnh Đồng Tháp chưa nâng công suất, tỉnh Vĩnh Long chưa hoàn thành cấp phép khai thác mỏ trong tháng 7/2024; các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đang triển khai thủ tục cấp mỏ nhưng chưa bảo đảm tiến độ hoàn thành trong tháng 8/2024.
Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa (tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch, phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng). Riêng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận tiến độ còn chậm so với kế hoạch. Trong thời gian tới, các chủ đầu tư, nhà thầu phải tăng tốc để bù tiến độ. Việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương chưa đạt tiến độ yêu cầu, sản lượng thi công còn thấp như: Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án thành phần 3 Vành đai 3 - TP.HCM qua Bình Dương, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Sóc Trăng và Cần Thơ.
Để hoàn chỉnh diện mạo hạ tầng giao thông phía Nam, bên cạnh các dự án lớn đang thi công, một số dự án quan trọng khác đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, các địa phương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai thủ tục đầu tư.
Bộ GTVT cho biết, TP.HCM đã hoàn thành lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. TP.HCM cũng đang phối hợp cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 - TP.HCM. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Bộ GTVT đang phối hợp với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Hai tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Trong bức tranh chung, cả nước đang thi công 1.700 km cao tốc, với mục tiêu có ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần làm việc của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc trên các công trường dự án. Các công trình triển khai, hoàn thành đã và sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, tăng giá trị gia tăng của đất đai, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, góp sức thúc đẩy động lực tăng trưởng, tạo sự tin tưởng ủng hộ của nhân dân.