Thương vụ Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C là một trong số các vụ việc tập trung kinh tế điển hình theo hình thức mua lại doanh nghiệp. Ảnh: Lan Hương |
Bộc lộ bất cập
Bà Trần Phương Lan, Phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Luật Cạnh tranh 2004 lần đầu tiên quy định về kiểm soát TTKT. Tuy nhiên, quy định này còn khá cứng nhắc với việc chỉ quy định tiêu chí “duy nhất” kiểm soát TTKT dựa trên ngưỡng thị phần trên thị trường liên quan.
Cụ thể, Luật Cạnh tranh quy định cấm TTKT có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan chiếm trên 50%, trừ trường hợp miễn trừ theo quy định; các DN TTKT có thị phần kết hợp chiếm từ 30% - 50% trên thị trường thì phải thông báo với cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành TTKT. Theo phân tích của bà Lan thì “việc cấm TTKT nếu thị phần kết hợp các bên chiếm 50% trên thị trường liên quan có thể cản trở giao dịch TTKT tác động tốt cho thị trường, do vướng ngưỡng cấm theo quy định hiện hành”.
Trong khi đó, về bản chất, đánh giá TTKT luôn hướng về tương lai, nhưng tại thời điểm đánh giá thì hậu quả hạn chế cạnh tranh chưa thực sự xảy ra. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào thị phần hiện tại để đánh giá tác động TTKT trong tương lai là không đúng bản chất và mục tiêu. Thời gian qua có một số vụ việc TTKT theo hình thức mua lại DN đã diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bán lẻ, dược phẩm, đồ uống… như: Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam… Sau khi xem xét thị phần kết hợp giữa các bên tham gia việc TTKT không thuộc ngưỡng bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh, do đó giao dịch của các bên được thực hiện. Song có thể thấy, các DN mua lại nêu trên đều là các DN có sức mạnh trên thị trường, đã tham gia vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, có nhiều lợi thế về nguồn cung sản phẩm và đã có một số chính sách chiết khấu sản phẩm với nhà cung ứng của Việt Nam ở mức cao… Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới cạnh tranh trên thị trường.
Nới ngưỡng kiểm soát
Trước bất cập đó, thay vì cấm TTKT khi thị phần kết hợp của các DN tham gia TTKT từ 50% trở lên trên thị trường liên quan, tại Dự thảo Luật cạnh tranh sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất tách TTKT khỏi nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh, đồng thời mở rộng ngưỡng kiểm soát TTKT một cách rõ ràng hơn để tăng tính chủ động cho DN trong việc thực hiện các thủ tục thông báo TTKT với cơ quan cạnh tranh. Luật chỉ cấm những TTKT có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và bỏ hẳn quy định cấm trên cơ sở thị phần kết hợp như hiện nay.
Với cách tiếp cận nêu trên, bà Trần Phương Lan cho rằng sẽ tạo điều kiện cho DN tham gia các giao dịch TTKT tác động tốt cho thị trường nhiều hơn. Theo Dự thảo Luật, các DN tham gia TTKT phải thông báo cho Cơ quan cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành TTKT nếu thuộc ngưỡng thông báo TTKT. Ngưỡng thông báo TTKT sẽ được quy định cụ thể phù hợp theo từng thời kỳ dựa trên các tiêu chí: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của một DN tham gia TTKT; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của một DN tham gia TTKT; giá trị giao dịch của TTKT.