Ông Trương Quang Nghĩa phát biểu trước cử tri Đà Nẵng. Ảnh: Đ.X. |
Sáng 12/12, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp xúc xử tri tại quận Sơn Trà.
Đây là cuộc tiếp xúc cử tri đầu tiên của ông Trương Quang Nghĩa, sau khi chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về Đà Nẵng.
Dành nhiều thời gian chia sẻ thông tin về các dự án BOT, ông Nghĩa nói kỳ họp Quốc hội gần đây đã thông qua hai dự án lớn là xây dựng cao tốc Bắc – Nam dài 654 km và giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành.
"Trong quá trình nghiên cứu để thông qua các dự án trên, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT", ông Nghĩa nói.
Theo Bộ trưởng, các dự án BOT giao thông thời gian qua đã được Quốc hội giám sát, được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước xem xét theo quy định pháp luật. Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào làm việc với các dự án trên Quốc lộ 1, trong đó có dự án BOT.
"Không được phép tước quyền đi lại của người dân"
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, ông về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải vào tháng 4/2016, thì đến tháng 6 đã cho tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện đầu tư theo hình thức BOT để đánh giá kết quả. Về mặt chủ trương BOT là đúng, bởi ngân sách của Nhà nước rất hạn chế, trong khi nguồn lực của xã hội còn nhiều.
"Tuy nhiên việc huy động nguồn lực trong thời gian qua có thực sự là huy động nguồn lực của xã hội hay chưa?", ông Nghĩa đặt câu hỏi và chia sẻ: "Nói thực, trong khi đánh giá, chúng tôi đưa ra nhận định là cũng chưa đạt được mục đích huy đông nguồn lực của xã hội, bởi vì cuối cùng các dự án đấy đều là các dự án huy động từ ngân hàng".
Sau hội nghị tổng kết BOT nêu trên, Bộ Giao thông đã quyết định tạm dừng và đưa ra các tiêu chí để triển khai dự án BOT tiếp theo, với nguyên tắc chỉ làm các dự án trên tuyến đường mới, không làm dự án ở tuyến đường độc đạo, hiện hữu mà người dân đang đi. "Tức là không được phép tước quyền đi lại của người dân", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Hai việc lớn nhất liên quan đến BOT trong thời gian ông Nghĩa làm Bộ trưởng Giao thông là dừng lại để rà soát, đánh giá và đưa ra mức phí phù hợp.
"Việc quan trọng nhất là phải tập trung quyết toán, khi đưa ra quyết toán thì nó sẽ lành mạnh một số vấn đề, chi tiêu ra làm sao, quan hệ đó như thế nào, dự án đó là của anh, của em hay của ai thì nó lộ hết ra", ông nói.
"Không làm BOT như thời gian vừa qua"
Cũng theo ông Nghĩa, chịu trách nhiệm đầu tiên với các dự án BOT đường bộ là Bộ Giao thông. Nhưng để thông qua một dự án BOT thì phải có đến 6 Bộ chấp nhận, vì vậy giải quyết vấn đề này phải bài bản, căn cơ, vì tính liên quan, hệ lụy là rất lớn. Quyết tâm của Chính phủ là phải đưa ra giải pháp hài hòa, bởi vì các nhà đầu tư cũng đã bỏ tiền vào dự án.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nghĩa nói có doanh nghiệp đã muốn trả dự án lại cho ngân hàng, bởi vì ngân hàng bỏ tiền và ngân hàng lấy lại thế chấp quyền thu phí, vậy nên "nếu xử lý không khéo thì rủi ro là rất lớn"; một số địa phương cũng đề nghị Nhà nước mua lại các dự án BOT.
"Các dự án BOT cần tiếp tục làm, nhưng không phải làm như thời gian vừa qua. Còn giải quyết hậu quả đó như thế nào, cách thức ra sao thì còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Tôi cũng nói luôn là có cả lợi ích ở đấy nữa. Nhưng dứt khoát phải làm", ông Nghĩa nói.