Phân cấp đầu tư đường cao tốc: Địa phương rốt ráo củng cố năng lực quản lý dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ vừa quyết định phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đường bộ cao tốc sử dụng vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân cấp mạnh cho địa phương giữ vai trò chủ quản những dự án này cũng như Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đang đòi hỏi các tỉnh, thành phía Nam rốt ráo củng cố năng lực quản lý để triển khai các dự án quy mô lớn.
Chính phủ vừa quyết định phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đường bộ cao tốc sử dụng vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Tiến Tân
Chính phủ vừa quyết định phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đường bộ cao tốc sử dụng vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Tiến Tân

Ở khu vực phía Nam, các địa phương Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang được phân cấp thực hiện các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu.

Trùng với thời gian triển khai các dự án đường bộ cao tốc, một số địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An còn triển khai Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM. Đầu tháng 7/2022, bốn địa phương này đã ký kết kế hoạch phổi hợp triển khai Dự án. Theo đó, hàng chục đầu mục công việc với khối lượng rất lớn đã được lên kế hoạch và ấn định cơ quan chủ trì, phối hợp và thời gian thực hiện rất cụ thể.

Trong bối cảnh phải bảo đảm mục tiêu hoàn thành đầu tư các dự án với khối lượng lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian thực hiện ngắn, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành khi được giao làm chủ quản dự án rất nặng nề. Hiện tại, ở khu vực phía Nam, năng lực của phần lớn ban quản lý dự án giao thông tại địa phương còn hữu hạn với quy mô quản lý khối lượng dự án khoảng 400 đến dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Chỉ một số ít địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai quản lý dự án giao thông tới quy mô vài nghìn tỷ đồng/năm. Do đó, các địa phương đang gấp rút kiện toàn nhân sự, củng cố, nâng cao năng lực của ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông hoặc lựa chọn tư vấn quản lý dự án theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải cho biết, đơn vị vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất giao làm chủ đầu tư và quản lý Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dù có đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai dự án, BQLDA giao thông Cái Mép - Thị Vải cũng chuẩn bị nâng cao năng lực quản lý dự án nhằm đáp ứng yêu cầu mới. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Nội vụ rà soát để nhanh chóng kiện toàn, nâng cao năng lực cho Ban. Một phương án có thể được cân nhắc là điều chuyển, biệt phái tăng cường nhân lực trong ngành giao thông cho BQLDA giao thông Cái Mép - Thị Vải với quyết tâm hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đúng kế hoạch.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, Thành phố đã quyết định giao BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư Dự án Đường Vành đai 3 đoạn trên địa bàn TP.HCM. Thành phố đã chỉ đạo Ban tăng cường nhân sự, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Quá trình triển khai Dự án, nếu cần thiết thì phương án thuê tư vấn quản lý dự án sẽ được cân nhắc.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương vừa được phân cấp làm chủ quản Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh An Giang) cho biết, Tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của các sở, ngành liên quan. Đặc biệt là Sở Tư pháp theo dõi và tham mưu cho UBND Tỉnh về mặt pháp lý dự án tuân thủ đúng quy định. Tỉnh cũng sẽ tham vấn Bộ Giao thông vận tải trong việc thuê tư vấn để lựa chọn nhà thầu có năng lực mạnh, bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công công trình và tiết kiệm ngân sách nhà nước. Sau khi xác định hướng tuyến, mốc giới Tỉnh sẽ giao cho các huyện, thị tuyên truyền vận động người dân về chủ trương đầu tư, tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển địa phương để tạo sự đồng thuận cao trong thu hồi, tái định cư, giải phóng mặt bằng. An Giang cũng quy hoạch các mỏ vật liệu bảo đảm cung ứng cho dự án giao thông trọng điểm này. Về củng cố năng lực quản lý dự án, hiện BQLDA của Tỉnh có vài nhân sự có chứng chỉ quản lý dự án nhóm A. Tới đây, sau khi có kế hoạch triển khai Dự án, Tỉnh sẽ nhờ hỗ trợ từ bộ chuyên ngành để tăng cường năng lực quản lý dự án.

Tin cùng chuyên mục