Chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân hướng đến xuất khẩu thông qua người mua hàng quốc tế. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Đến nay, số lượng doanh nghiệp của khối kinh tế tư nhân đang tăng lên đáng kể, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của khu vực này vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi đều có chung cảm nhận tốt về sự cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức độ cải cách vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát và gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không còn phù hợp.
Mặc dù nhiều rào cản phát triển đã được gỡ bỏ trong thời gian qua, nhưng ThS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng, gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế, hải quan.
Kết quả khảo sát từ 699 doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, doanh nghiệp tư nhân phải tiêu tốn một lượng thời gian lớn hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước để chấp hành, giải quyết các thủ tục thuế, hải quan. Có tới 34,1% doanh nghiệp tư nhân phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục hải quan, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ là 14,7%.
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều này có nhiều nguyên nhân. Đó là do thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về doanh nghiệp một cách đầy đủ và minh bạch. Bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn chưa được đẩy mạnh. Việc xử lý nợ xấu vẫn cần có thêm thời gian để giải quyết triệt để. Thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô còn nhỏ bé, chưa phát triển. Và không thể phủ nhận thực tế còn có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp ở khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Một số tổ chức tín dụng chưa thực sự mặn mà đối với cho vay khu vực tư nhân, chưa có sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho từng nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt.
Theo TS. Cấn Văn Lực, điểm nghẽn hiện nay chính là vấn đề thực thi. Hiện rất khó xác định trách nhiệm trong việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện là thuộc bộ nào, ngành nào.
Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, còn có nguyên nhân quan trọng từ chính bản thân doanh nghiệp, chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. Không ít doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mỳ ăn liền”, muốn có “tiền tươi, thóc thật” ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu như bản thân doanh nghiệp không tự làm mới mình thì dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa cũng khó có bước tiến đột phá trong ngắn và trung hạn.
Số liệu điều tra từ Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. Doanh nghiệp tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước, trong khi chỉ có 11% hướng đến xuất khẩu thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ có 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Để tận dụng được “làn sóng cải cách”, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự lớn lên, nâng cao năng lực hấp thụ. Theo TS. Cấn Văn Lực, đã đến lúc doanh nghiệp phải hướng đến tính bài bản, tính chuyên nghiệp và minh bạch.