Tiếp thêm động lực phát triển kinh tế tư nhân

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thiện trình Chính phủ Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đề án đã đề ra nhiều giải pháp tạo động lực phát triển khu vực kinh tế này.
Kinh tế tư nhân là khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong GDP. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế tư nhân là khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong GDP. Ảnh: Lê Tiên

Đóng góp lớn đối với tăng trưởng

Theo Đề án, trong thời gian qua, khu vực KTTN tăng nhanh về số lượng, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp (DN). Tổng số DN được thành lập mới trong giai đoạn 17 năm, từ 2000 - 2016 đạt trên 1 triệu DN, gấp hơn 22,2 lần so với giai đoạn 1991 - 1999. Đặc biệt, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có trên 65 nghìn DN mới được thành lập; riêng năm 2016, số lượng DN thành lập mới đạt con số kỷ lục 110.100 DN. Quy mô vốn trên từng DN cũng được tăng lên.

Đáng chú ý, KTTN là khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong GDP. Tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP nhiều năm qua duy trì ở mức 39 - 40% GDP. Cụ thể, năm 1995 khoảng 39%; năm 2000 là 39,62%; năm 2010 là 38,97% và năm 2015 là 39,21%. Nhóm có đóng góp lớn nhất là kinh tế cá thể, với trên 31% so với gần 8% của nhóm các DN. Nếu chỉ xét trong khu vực DN, số lượng lao động làm việc tại các DN ngoài nhà nước đã không ngừng tăng lên cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong khu vực DN. Tốc độ tăng lao động làm việc trong khu vực DN ngoài nhà nước trung bình đạt trên 10%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014.

Về lĩnh vực hoạt động, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, khu vực KTTN nói chung và DN thuộc kinh tế tư nhân nói riêng đang hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, kể cả một số lĩnh vực mà trước đây chỉ có các DN nhà nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài mới có khả năng tham gia như công nghệ thông tin, công nghiệp nặng, dịch vụ tài chính - ngân hàng,… Hiện nay, nhiều DN tư nhân có quy mô lớn đã được hình thành, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao như: Công ty CP Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Massan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP FPT, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động…

Đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên, theo Đề án, thực tế KTTN Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, thiếu tính ổn định, năng lực cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được vị thế vốn có của khu vực này trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, KTTN chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, tỷ trọng trong GDP còn thấp. Trong khi đó, các quy định và chính sách đối với KTTN còn chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn và còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, nhiêu khê, gây lãng phí thời gian và làm tăng chi phí của người dân và DN.

Bãi bỏ tất cả các rào cản không cần thiết

Nền kinh tế đang đứng trước những thách thức mới, đặc biệt là việc nợ công đã tăng đến ngưỡng cho phép, sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, tài trợ từ bên ngoài đã và sẽ ngày càng giảm đi, đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng chững lại. Thêm vào đó, cải cách và sắp xếp DNNN sẽ dẫn đến việc thu hẹp, hoặc chí ít là không tăng lên của khu vực này. Do đó, Đề án nhận định vai trò của KTTN đối với tăng trưởng đầu tư nói riêng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung sẽ ngày càng lớn hơn.

Để đưa khu vực KTTN thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN, Đề án đã đưa ra một loạt các giải pháp như: tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; có giải pháp giảm chi phí cho DN; phát triển các loại thị trường...

Cụ thể, về giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, Đề án yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xem xét bãi bỏ tất cả các rào cản không cần thiết đối với gia nhập thị trường ngành, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm hoặc/và điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Giảm tối đa có thể số ngành nghề kinh doanh có điều kiện; giảm tối đa có thể điều kiện kinh doanh đối với từng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp 2013 và Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Đồng thời, triệt để xóa bỏ “cơ chế hành chính xin - cho” trong tiếp cận cơ hội kinh doanh trong các thị trường, ngành, kinh doanh có điều kiện cũng như đổi mới cơ bản phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo ông Hiếu, trong số 5.826 điều kiện kinh doanh áp dụng cho 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư thì có đến 2.833 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền. Ngay cả sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh…Do đó, KTTN mặc dù đã được khuyến khích và tạo điều kiện nhưng vẫn chịu những “kìm hãm” nhất định.

Về giải pháp nhằm giảm chi phí đối với DN, Đề án yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng về chi phí đối với các cơ sở kinh doanh, DN để đưa ra các khuyến nghị giải pháp nhằm giảm chi phí trong từng khâu, từng giai đoạn. Giảm chi phí khởi sự DN thông qua biện pháp tăng cường sự minh bạch, dễ tiếp cận đối với các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, trước hết là văn bản về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quy hoạch lãnh thổ…; giảm các yêu cầu rườm rà về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt chi phí khoa học công nghệ.