PPP - thách thức nào cần vượt qua?

(BĐT) - Sau Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, Nghị định 15/2015/NĐ-CP cùng nhiều nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan, đến nay, vẫn chưa có một dự án đầu tư đối tác công tư (PPP) đúng nghĩa nào được thực hiện. 
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có đủ năng lực để không chỉ lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, mà còn theo dõi tốt việc thực hiện dự án PPP trong tương lai. Ảnh: Tiên Giang
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có đủ năng lực để không chỉ lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, mà còn theo dõi tốt việc thực hiện dự án PPP trong tương lai. Ảnh: Tiên Giang

Nhận diện những thách thức chính từ thực tiễn triển khai là cần thiết để trong quá trình hoàn thiện chính sách về PPP, đặc biệt là xây dựng Luật PPP, có những điều chỉnh, tháo gỡ, từ đó thúc đẩy các dự án. 

Báo Đấu thầu ghi lại một số ý kiến tại Đối thoại cấp cao lần thứ nhất về hợp tác phát triển PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới chủ trì tổ chức mới đây. 

PPP - thách thức nào cần vượt qua? ảnh 1
Thiếu kế hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việt Nam đang thiếu một kế hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn cho chương trình PPP để đảm bảo quyết tâm chính trị, chính sách và định hướng nhất quán, xuyên suốt; quy định pháp lý về PPP mới dừng lại ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan dẫn đến khó khăn trong thực thi...

Một số chính sách, quy định cụ thể còn gặp khó khăn là bảo lãnh và các hình thức hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án PPP; hợp đồng PPP; quy định về chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ; vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án.

Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu Luật PPP nhằm khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong triển khai hình thức PPP và tháo gỡ các khó khăn về pháp lý liên quan đến hình thức này, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP tại Việt Nam. Trong quá trình xây dựng Luật nói riêng và phát triển chương trình PPP nói chung trong thời gian tới, có nhiều lĩnh vực Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác phát triển trong khuôn khổ Đối thoại, như: Xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP; Nghiên cứu, xây dựng chính sách trong Luật PPP; Phát triển dự án PPP; Xây dựng cơ sở dữ liệu về PPP; Đào tạo và truyền thông.

PPP - thách thức nào cần vượt qua? ảnh 2
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đủ năng lực
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Để PPP thành công cần nhìn nhận đúng đây là quan hệ đối tác dài hạn, giữa khu vực công và tư phải chia sẻ lợi ích và rủi ro, trong đó chia sẻ rủi ro rất quan trọng. Rủi ro phải được phân bổ hợp lý cho bên có khả năng kiểm soát tốt nhất, đảm bảo công bằng, lợi ích cho hai bên.

Muốn huy động được vốn từ khu vực tư nhân, cả vốn vay và vốn chủ sở hữu, cần hiểu khu vực tư nhân chỉ chấp nhận tham gia khi thấy thoải mái về phân bổ rủi ro và lợi ích.

Để đảm bảo điều này, việc xây dựng dự án là bước đầu tiên rất quan trọng để đảm bảo thành công của dự án. Không phải dự án nào cũng phù hợp với mô hình PPP, trong một số trường hợp dự án kết cấu hạ tầng phải thực hiện bằng nguồn vốn công. Khi xác định dự án phù hợp với mô hình PPP thì phải có được sự hỗ trợ, phối hợp để lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp thực hiện dự án thành công.

Trong quá trình này, việc xây dựng năng lực cho các cơ quan là rất quan trọng, để nhận biết được rủi ro, phân bổ phù hợp, quản lý tốt rủi ro. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có năng lực hiểu biết để có thể không chỉ lựa chọn nhà đầu tư, mà còn theo dõi việc thực hiện dự án trong tương lai.

PPP - thách thức nào cần vượt qua? ảnh 3
Quản lý theo đầu ra để phát huy sáng tạo của tư nhân

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính

Luật PPP là đòi hỏi tất yếu để thống nhất quy định về PPP, đảm bảo dự án PPP triển khai được thống nhất. 

Trong quá trình xây dựng dựng Luật, một số vấn đề cần có sự thống nhất về quan điểm, cách thức triển khai thực hiện để có thể phản ánh trong chính sách về PPP thời gian tới. Cần hiểu PPP là sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó tư nhân đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công, Nhà nước giữ vai trò ủng hộ không thể thiếu và sự ủng hộ này phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện.

Đồng thời, phải có sự thống nhất về cơ chế thực hiện trách nhiệm về tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP cụ thể là liên quan đến phân bổ, quản lý, thanh toán, quyết toán,… Do đặc thù của Việt Nam, việc triển khai dự án PPP liên quan đến nhiều luật, bị điều chỉnh bởi cơ chế quản lý tài khóa ngân sách, quản lý đầu tư công, quản lý nợ công. Để Nhà nước thực hiện được trách nhiệm về tài chính trong hợp đồng PPP thì sự thống nhất trong cơ chế tài khóa, đầu tư công, quản lý nợ phải rõ ràng để các đơn vị thực hiện đúng, đáp ứng yêu cầu của PPP.

Cách tiếp cận, quản lý dự án PPP cũng phải thay đổi, theo kết quả đầu ra thay vì cơ chế quản lý theo đầu vào như hiện nay, để phát huy được tính sáng tạo của khu vực tư nhân.

Vấn đề huy động vốn của khu vực tư nhân, cần tìm kiếm thêm các kênh khác thay vì sử dụng công cụ duy nhất là vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại như hiện nay. Một số công cụ khác trên thị trường vốn nên được nghiên cứu, như quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm.

PPP - thách thức nào cần vượt qua? ảnh 4
Còn trở ngại trong việc thành lập Quỹ Chuẩn bị dự án PPP

Ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng Phòng PPP của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM

Một trong những thách thức đối với việc triển khai dự án PPP thời gian tới của TP.HCM là về nguồn vốn chuẩn bị đầu tư. Nếu sử dụng vốn ngân sách thì phải theo quy định của Luật Đầu tư công, thời gian kéo dài và giá trị vốn được bố trí nhỏ, không đảm bảo chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư.

Trên thực tế, để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, dự án phải có đề xuất dự án được duyệt, tuy nhiên, các dự án trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP của Thành phố (TP) phần lớn do nhà đầu tư lập đề xuất dự án.

Nhằm tạo sự chủ động cho TP trong việc lựa chọn các dự án PPP tiềm năng để triển khai lập đề xuất dự án và tăng hiệu quả kêu gọi đầu tư, TP đã có chủ trương thành lập Quỹ PDF (Quỹ Chuẩn bị dự án PPP) của TP, tương tự như Quỹ PDF do Bộ KH&ĐT quản lý, giao Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP quản lý. Tuy nhiên, việc thành lập quỹ này vẫn gặp trở ngại về cơ cấu tổ chức, quản lý vốn…