Minh bạch quy trình đấu thầu giúp lựa chọn được nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, nâng cao chất lượng công trình, dự án. Ảnh: Gia Khoa |
Đây là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, cũng là mong muốn từ doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng diễn ra cuối tuần qua.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét, hiệu quả đầu tư xây dựng của nền kinh tế còn thấp. “Tại sao dự án của khu vực tư nhân triển khai nhanh, có chất lượng, mà dự án đầu tư công chậm, chất lượng hạn chế? Đó là điều phải suy nghĩ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra, chậm trễ trong thực hiện dự án đầu tư công là do có vấn đề về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi. Phó Thủ tướng dẫn chứng 3 năm gần đây giải ngân vốn đầu tư công đều chậm, 3 tháng đầu năm nay mới giải ngân được 9,2% kế hoạch. “Các địa phương phải tự tổ chức kiểm tra. Tại sao trong cùng một mặt bằng chính sách, có tỉnh đã giải ngân 30%, có tỉnh chỉ vài %, như vậy là có vấn đề về thực thi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn chứng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần có lộ trình cụ thể sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư liên quan đến đầu tư xây dựng để giải quyết bất cập, đồng thời bù lấp những khoảng trống pháp lý hiện nay. Ví dụ như khoảng trống về chính sách quản lý condotel, thiết kế không gian ngầm, ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng… Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp, tăng cường kỷ luật kỷ cương vì kéo dài tình trạng giải ngân đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng đến vĩ mô.
Tạo cơ chế thông thoáng cho tư nhân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tư duy, phương thức quản lý nguồn vốn tư nhân và vốn nhà nước phải khác nhau. Vốn tư nhân phải tạo cơ chế thông thoáng. Nguồn vốn nhà nước phải quản lý chặt chẽ vì dễ thất thoát, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng, đặc biệt là tháo gỡ cho đầu tư tư nhân.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị nhấn mạnh phải tăng cường minh bạch quy trình đấu thầu, đấu giá để lựa chọn được nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, vừa giúp huy động được nguồn vốn, vừa nâng cao chất lượng công trình, dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thực hiện cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, TP.HCM từ năm 2011 đến tháng 3/2017, đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch 1.256 tỷ đồng. Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, Quận 1, giá khởi điểm là 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 1.460 tỷ đồng, chênh lệch 910 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Trong những cơ chế để khơi thông nguồn vốn tư nhân, từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Tập đoàn Sun Group đánh giá cao hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) giúp tạo cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Ông Huy kiến nghị, đối với dự án BT cần có thêm phương án hoàn trả (ngoài bằng đất), đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; phải có chế tài để hạn chế thay đổi thiết kế ở bước thiết kế kỹ thuật, làm tăng tổng mức đầu tư; dự án BOT phải tuân thủ nguyên tắc lời ăn lỗ chịu.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải cho rằng, trong giai đoạn tới nhiều dự án lớn triển khai theo hình thức PPP, trong đó có Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây cũng sẽ là hình thức phổ biến, vì thế nếu không sớm điều chỉnh quy định liên quan đến PPP thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Bộ trưởng Giao thông vân tải đề nghị cần ban hành Luật PPP để bảo đảm thống nhất quản lý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng Luật PPP. Theo chương trình công tác của Chính phủ, Chính phủ sẽ cho ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật PPP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 này.