Quản lý thuế với thương mại điện tử: Còn nhiều băn khoăn

(BĐT) - Luật Quản lý thuế sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Nội dung về đối tượng thực hiện kê khai và nộp thuế thương mại điện tử được quy định tại Điều 27, Điều 42 và Điều 35. 
Cần có những quy định rõ ràng để tránh vướng mắc, chồng chéo khi thực thi Luật Quản lý thuế về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Tường Lâm
Cần có những quy định rõ ràng để tránh vướng mắc, chồng chéo khi thực thi Luật Quản lý thuế về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều ý kiến cho rằng các nội dung về quản lý thuế với thương mại điện tử tại Luật này cần được quy định rõ ràng để tránh các vướng mắc, chồng chéo và đánh thuế trùng.

Ai chịu trách nhiệm kê khai thuế?

Điều 27 của Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định, ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Điều 42 quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Điều 35 về sử dụng mã số thuế quy định: “Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay”. Trường hợp này được hiểu khách hàng là người nộp thuế thay cho nhà cung cấp dịch vụ.

Nhận xét về các quy định mới này, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nói: “Như vậy, từ ngày 1/7/2020, dường như có 3 đối tượng là ngân hàng thương mại, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, khách hàng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về kê khai và nộp thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử hoặc giao dịch dựa trên nền tảng số. Tuy nhiên, Luật không quy định rõ trường hợp nào, một đối tượng cụ thể nào trong 3 đối tượng đó phải chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế”.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng không nêu rõ liệu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam có phải đăng ký, kê khai nộp thuế hay không.

Ngoài ra, Luật này cũng không nêu rõ đối tượng nào sẽ thực hiện thủ tục thông báo xin miễn/giảm thuế theo các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần nếu cả 3 đối tượng đều có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Do đó, ông Mark Gillin kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần phải có những quy định rõ ràng để tránh các vướng mắc, chồng chéo và đánh thuế trùng khi thực thi Luật Quản lý thuế về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, Nghị định và Thông tư hướng dẫn cần xác định rõ đối tượng nào sẽ chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế trong từng trường hợp cụ thể và thủ tục thực hiện xin miễn/giảm thuế theo hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. 

Băn khoăn về hệ thống thanh toán điện tử quốc gia

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế về nội dung quản lý thuế thương mại điện tử tại Luật Quản lý thuế sửa đổi, Nhóm công tác thuế và hải quan của VBF đã đề xuất làm rõ một số nội dung.

Khoản 5, Điều 15 quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm: Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử”.

Theo Nhóm công tác, nội dung này chưa nêu rõ hệ thống thanh toán điện tử quốc gia và các tiện ích tích hợp sẽ được thiết lập và quản lý như thế nào. Các công ty tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử cần hiểu và nhận thức rõ liệu quy định này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu và hướng dẫn thực hiện ­­Điều 15. Theo đó, NHNN chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật này.

Tin cùng chuyên mục