Nhiều nút thắt đang cần được tháo gỡ cho hạ tầng KKT Dung Quất |
Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đến năm 2030, Đề án đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là 3.822 tỷ đồng (ngân sách trung ương 1.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.522 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 là 12.830 tỷ đồng (ngân sách trung ương 4.650 tỷ đồng; ngân sách địa phương 8.180 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Đề án dự kiến nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được huy động đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030, với tổng vốn đầu tư khoảng 93.160 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, KKT Dung Quất đang có vai trò rất lớn trong cơ cấu thu ngân sách. Cụ thể, KKT Dung Quất đóng góp cho ngân sách trung ương giai đoạn 2009 - 2022 khoảng 153 nghìn tỷ đồng, trong đó thuế xuất nhập khẩu từ khoảng 53 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất chỉ ở mức 1.583 tỷ đồng (bằng khoảng 1% nguồn thu). Vì vậy, Đề án đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho KKT Dung Quất tương ứng mức 10 - 15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Đề án cũng sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng “Đề án lựa chọn một số KKT ven biển trọng điểm để tập trung hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương cho phát triển hệ thống đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030”.
Bên cạnh nguồn ngân sách trung ương, giai đoạn 2009 - 2022, tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi là 228.475 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới bố trí đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất 2.712 tỷ đồng, chiếm 1,18% tổng nguồn thu trên địa bàn. Vì vậy, hệ thống hạ tầng KKT chưa được đầu tư đồng bộ, không được sửa chữa kịp thời, nên hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan trong KKT. Đề án đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh xem xét “ưu tiên bố trí ngân sách Tỉnh khoảng 10 - 15% nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN để đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất giai đoạn 2023 - 2030”...
Giao thông xuống cấp dẫn đến KKT Dung Quất mất dần lợi thế thu hút đầu tư |
Về phía cơ quan quản lý, Quảng Ngãi sẽ kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 24C (đoạn Km0 đến Km6+200 từ cảng Dung Quất đến Ngã tư Bình Thuận); huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo quy hoạch được duyệt; phối hợp với Trung ương sớm đầu tư hoàn thành nút giao thông kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Trì Bình - cảng Dung Quất, nhằm khai thác hiệu quả đường cao tốc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KKT Dung Quất...
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi hướng đến thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); hoàn thiện khung pháp lý để khai thác có hiệu quả nguồn vốn trong khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy kinh tế phát triển, khắc phục tình trạng lạm dụng phương thức đầu tư này để phục vụ lợi ích nhóm, làm thất thoát tài sản công; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI, ODA và các nguồn vốn khác; khai thác tối đa nguồn thu từ khai thác quỹ đất; xây dựng và công khai danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất đến năm 2030; chọn lọc, ưu tiên các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh để phát triển bền vững.