Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khảo sát Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 |
Sau buổi tiếp xúc cử tri và khảo sát Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại huyện Bình Sơn mới đây, ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và huyện Bình Sơn phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành và sớm đưa Nhà máy vào hoạt động.
Theo báo cáo của Công ty CP Bột - Giấy VNT19, Dự án được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước (Bình Sơn), với quy mô diện tích 117 ha, công suất 350 nghìn tấn bột giấy/năm (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã được thực hiện trên 85% khối lượng công việc.
Hiện nay, chủ đầu tư chưa thể thực hiện hạng mục tuyến thoát nước thải 5,850 km từ vị trí bể xử lý nước thải nằm trong Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra đến mặt biển vịnh Việt Thanh, thuộc các xã Bình Phước và Bình Trị (Bình Sơn). Nguyên nhân vì người dân địa phương lo lắng việc lắp đặt và đưa vào sử dụng tuyến thoát nước thải sau xử lý ra biển sẽ phát sinh những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Trước những băn khoăn này của người dân, chủ đầu tư cho biết, Dự án thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hạng mục trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt; kỹ thuật và công nghệ hệ thống xử lý nước thải đã qua xử lý, đường ống xả nước thải đã qua xử lý do nhà thầu Aquaflow của Phần Lan thiết kế, thi công mới 100% với công suất 50 nghìn m3/ngày đêm. Chủ đầu tư cũng bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý, gồm: nâng công suất của hồ sự cố từ 20 nghìn m3 lên 50 nghìn m3 (thời gian lưu nước thải là 2 ngày); bổ sung hồ sinh học với dung tích 25 nghìn m3; bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng.
Ngoài ra, nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp và liên tục 24/7 về Bộ TN&MT và Sở TN&MT. Định kỳ 3 tháng và 6 tháng, chủ đầu tư lấy mẫu nước thải đã xử lý và mẫu nước tại khu vực vịnh Việt Thanh kiểm tra và báo cáo cơ quan chức năng.
Dù vậy, tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người dân xã Bình Trị, huyện Bình Sơn vẫn giữ nguyên quan điểm về việc không tán đồng lắp đặt đường ống xả thải xuống vịnh Việt Thanh. Ông Đặng Ngọc Huy cho rằng: "Nếu Nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì Nhà máy sẽ đóng cửa. Nhưng với số vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng, thì nhà đầu tư đã có phương án và trách nhiệm với môi trường". Ông Huy mong người dân đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Để Nhà máy hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành, ông Huy cũng đề nghị chủ đầu tư phối hợp với địa phương, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và đồng thuận về Dự án, nhất là đối với người dân ở xã Bình Trị, theo quan điểm chung là tất cả phải vì lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Huy đề nghị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền cũng như công khai, minh bạch các thông tin liên quan quan đến tuyến ống xả thải và vị trí xả nước thải vào nguồn nước của Nhà máy Bột - Giấy VNT19 để người dân hiểu, nắm bắt.