Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo |
Xây dựng, phát triển Quảng Ninh thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt
Trong số 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên hoàn thành và công bố quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 9 - 10%/năm; dịch vụ 11 - 12%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023. Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển TP. Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn, phát triển bền vững Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Phát triển TP. Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc Thành phố. Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của TP. Hạ Long; tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.
Theo quy hoạch, TP. Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 vùng (vùng Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng vịnh Cửa Lục - khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven vịnh Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Đề xuất 5 nhóm vấn đề phát triển
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW đạt hiệu quả cao, các tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ góc nhìn của địa phương được đặt trong toàn vùng, Quảng Ninh đề xuất 5 nhóm vấn đề: xây dựng các thể chế; phát triển hạ tầng giao thông chiến lược; phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh; phát triển đô thị; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký |
Liên quan đến xây dựng thể chế, ông Ký chia sẻ, một số đề án giao nhiệm vụ cho tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan cần được dẫn dắt theo tư duy kiến tạo thể chế phát triển, nhất là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái - Đông Hưng.
Đối với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trên cơ sở mạng lưới đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, Quảng Ninh sẽ có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông” cản trở liên kết vùng.
Từ đó, tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch của vùng và phía Bắc mà Nghị quyết đã nêu.
Đối với phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, trên nền tảng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đã định hình, phát huy tác dụng trong những năm qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Về phát triển đô thị, ông Ký cho rằng, cần kiên trì tổ chức đô thị theo định hướng quy hoạch không gian phát triển chung. Đặc biệt, Quảng Ninh phải bám sát đặc điểm đô thị biển, hướng ra biển, cửa ngõ biển tiền tiêu của Tổ quốc đặt ra các yêu cầu cao về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Về xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn, ông Ký cho biết, Quảng Ninh sẽ liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để “phân vai” tốt hơn trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các ngành nghề và giải quyết việc làm.
“Các cấp chính quyền địa phương trong vùng cần tạo điều kiện và khuyến khích mạnh mẽ sự hợp tác, tham gia của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu... để thực hiện có hiệu quả các nội dung liên kết vùng đã được thỏa thuận, ký kết giữa các địa phương trong vùng với mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân…", ông Ký nhấn mạnh.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế điều phối vùng hiệu quả, đủ mạnh để thực thi kịp thời, hiệu quả các cam kết liên kết vùng, tăng cường khả năng phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt để quản trị phát triển bền vững địa phương và toàn vùng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay.