Quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn dự án BOT

(BĐT) - Việc lựa chọn dự án phù hợp để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, BOT nói riêng, là bước đầu tiên để bảo đảm thành công của dự án. Đây cũng là vấn đề đã được Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện về chính sách pháp luật tại Nghị quyết về BOT mới đây.
Chính phủ yêu cầu, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ yêu cầu, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Ảnh: Lê Tiên

Đánh giá đầy đủ tác động của dự án

Tại Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 về BOT giao thông, vấn đề đầu tiên được Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ, hoàn thiện chính sách pháp luật là quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức PPP nói chung.

Chính phủ yêu cầu lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả quy hoạch hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa). Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Theo nhiều chuyên gia, việc quy định chặt chẽ hơn tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT theo tinh thần của Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp đó là Nghị quyết 83/NQ-CP sẽ giúp các dự án BOT thời gian tới đi sát với nhu cầu của thị trường, hài hòa lợi ích, hạn chế xảy ra những xung đột lợi ích…

Bà Thái Quỳnh Mai Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian qua, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cơ bản phù hợp với chiến lược, quy hoạch cũng như nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc chưa có tiêu chí, nguyên tắc và thứ tự ưu tiên đầu tư, cũng như chưa tính tới đặc thù của từng phương thức đầu tư, của từng vùng miền dẫn tới việc lựa chọn các dự án chưa hợp lý.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, khi xem xét lựa chọn một dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung, BOT nói riêng, phải đánh giá rõ lợi ích của Nhà nước là gì, lợi ích của nhà đầu tư là gì. Trong đó, lợi ích của Nhà nước phải tính trên tổng thể, cả tác động môi trường, xã hội, tính lan tỏa, việc ngân hàng cho dự án BOT vay vốn có làm thoái lui tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân hay không, rủi ro với hệ thống ngân hàng như thế nào… 

Cần một bộ khung nguyên tắc, tiêu chí

Ths. Nguyễn Như Chính thuộc Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu chính trong việc thực hiện dự án BOT là đạt được hiệu quả đầu tư trong cung cấp kết cấu hạ tầng. Hiệu quả đầu tư có nghĩa là đạt được kết hợp tối ưu giữa lợi ích và chi phí, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân khi đầu tư vẫn có cơ hội thu hồi vốn và lợi nhuận, cũng như hợp lý đối với người sử dụng. Pháp luật về PPP cần quy định bộ tiêu chí chung, trong đó có cách thức xếp hạng, chấm điểm, phân loại... để các CQNNCTQ có căn cứ lựa chọn sơ bộ các dự án giao thông có khả năng thực hiện theo mô hình BOT, từ đó chuẩn bị, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất.

Theo kinh nghiệm tại Indonesia, quốc gia này dựa trên một khung phân tích với nhiều tiêu chí để lựa chọn dự án PPP gồm: Có khả thi về mặt tài chính và cần hỗ trợ tài khóa hay không; mức độ sẵn sàng và rủi ro; lợi ích kinh tế - xã hội; phát triển vùng; vai trò của dự án đối với kế hoạch ngành; vai trò đối với an ninh quốc gia; tình hình giải phóng mặt bằng… Mỗi tiêu chí có thang điểm để đánh giá chia theo các mức điểm cao - trung bình - thấp. Tổng điểm đạt được sẽ là cơ sở để lựa chọn dự án thực hiện đầu tư theo hình thức PPP.

Tại Việt Nam, tiêu chí lựa chọn sơ bộ dự án PPP đã được quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 1/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 63/2018/NĐ-CP cũng đưa ra các nguyên tắc lựa chọn sơ bộ dự án PPP.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần thiết có bộ khung nguyên tắc và tiêu chí để tạo thuận lợi, cũng như tăng trách nhiệm của CQNNCTQ trong sàng lọc dự án đầu tư theo hình thức PPP, theo Bộ KH&ĐT, định hướng Luật PPP sẽ ban hành dưới dạng khung nguyên tắc (có thể dưới dạng thang điểm đánh giá), sau đó Nghị định của Chính phủ sẽ quy định từng bộ, ngành, căn cứ đặc thù ngành, lĩnh vực quản lý, phải ban hành các công cụ cụ thể để hỗ trợ việc lựa chọn sơ bộ dự án.