Quy hoạch Đồng Nai trở thành cực tăng trưởng quan trọng, đi đầu trong phát triển công nghiệp giá trị cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này định hướng sẽ trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế, du lịch vụ dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh và đô thị đẳng cấp quốc tế, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net-Zero 2050”.
Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tạo thêm năng lượng để Đồng Nai bứt phá phát triển

Phát biểu mở đầu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được.

Về kinh tế, Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai; có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định. Năm 2020, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông thứ 5 trên cả nước (3.097.107 người); xếp thứ 3 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP đạt gần 400.000 tỷ đồng, tương ứng 17,2 tỷ USD); xếp thứ 6 về thu nhập bình quân đầu người (đạt 124 triệu đồng, tương ứng với 5.300 USD); đứng thứ 19 về tốc độ tăng trưởng GRDP (đạt trên 9,0%).

Bên cạnh tiềm năng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa nhân văn; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ như: Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan, sông Đồng Nai, hồ Trị An, Thác Mai - Bàu nước sôi... là điều kiện rất lý tưởng cho các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá, văn hóa... Đây là một thế mạnh của Đồng Nai so với các địa phương khác trong việc thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch.

Ngoài ra, Đồng Nai đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf... đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Tỉnh; kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa thực sự bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy có tập trung đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực tài chính chưa đủ để đầu tư phát triển; sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học và người lao động nhập cư trên địa bàn dẫn đến khó khăn trong giải quyết an sinh xã hội cho người dân.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch lần này để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Tỉnh bứt phá phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả

Chia sẻ về bối cảnh lập quy hoạch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập trong bối cảnh chuyển từ quy định cũ sang thực hiện theo Luật Quy hoạch mới nên gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, tỉnh Đồng Nai xác định, Quy hoạch là định hướng phát triển toàn diện quan trọng của Tỉnh, là cơ sở để điều hành thống nhất, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đến năm 2030. Quy hoạch Tỉnh sẽ là định hướng, là kim chỉ nam để Đồng Nai xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Quy hoạch xác định, lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu phát thải trung tính “Net-Zero” vào năm 2050. Đồng thời, Tỉnh xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả như quy hoạch tuyến sông Đồng Nai, quy hoạch vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và sân bay Long Thành là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của Tỉnh.

5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ

Theo Báo cáo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đồng Nai là một nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân. Hệ thống đô thị thương mại dịch vụ mới ven sông tạo ra môi trường sông lý tưởng và bền vững; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước được triển khai một cách hiệu quả, là nơi phát triển nhân lực chất lượng cao. Công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường được thực hiện xuyên suốt, góp phần đảm bảo các mục tiêu về môi trường; trung tâm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Đồng Nai đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, 5 trụ cột phát triển được Đồng Nai lựa chọn là: phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050.

6 yếu tố hỗ trợ để Đồng Nai phát triển các trụ cột trên gồm: cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; quản trị và điều hành đồng bộ, hiệu quả; thể chế, chính sách đột phá.

Khu vực Đô thị sân bay Long Thành
Khu vực Đô thị sân bay Long Thành

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đưa ra 5 đột phá phát triển:

Đột phá 1: Xây dựng nền công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại, đặt nền tảng cho các chuỗi giá trị công nghiệp chuyên sâu trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh các nhóm ngành công nghiệp chủ lực có giá trị cao. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các nhóm ngành tiềm năng. Tỉnh cũng hướng tới hiện đại hóa các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, nhằm giảm các ngành mang tính thâm dụng lao động cao và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đột phá 2: Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm hình thành hệ sinh thái nghiên cứu, đào tạo khoa học công nghệ, khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp mang tính đổi mới. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung vào các ngành có tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, góp phần gia tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể vào GRDP của Tỉnh.

Đột phá 3: Thiết lập các quần thể đô thị, dịch vụ giải trí sinh thái nghỉ dưỡng, tận dụng các điểm mạnh về tài nguyên thiên nhiên như sông, núi, hồ. Hình thành một số khu, điểm du lịch lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của Tỉnh. Xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam Bộ và phát triển du lịch trở thành một trong các trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Nai.

Đột phá 4: Đồng Nai cần thúc đẩy triển khai mô hình thành phố sân bay, với lõi là Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống trung tâm logistics thông minh, đồng bộ, kết hợp tối ưu các hạ tầng vận tải, kho bãi hiện hữu trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy các nền tảng dịch vụ đô thị, lưu trú và mô hình du lịch MICE với các tiện ích, hạ tầng đa dạng, thông minh.

Đột phá 5: Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng giao thông mang tính đột phá, với trọng tâm là xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai và tận dụng hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường sông làm nền tảng phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, giải trí mới ven sông, hướng đến mô hình đô thị thông minh cao cấp ven sông gắn với du lịch nghỉ dưỡng.

Tin cùng chuyên mục